- Tên Ebook: San soc su hoc cua con em - Nguyen Hien Le
- Loại file: PDF
- Dung lượng: 809 KB
- Số trang:
LINH TẢI:
TRÍCH DẪN:
NGUYỄN HIẾN SỰ SÓC SC Của Con em IK NGUYỄN HIẾN LÊ SĂN SÓC SỰ HỌC сйа CON EM Khi lại gần em nhỏ thì em ấy gợi cho tôi hai tình cảm: một lòng yêu vì hiện tại của em, một lòng kính vì tương lai em có thể có. PASTEUR SĂN SÓC SỰ HỌC CỦA CON EM Tác giả: Nguyễn Hiến Lê Nhà xuất bản: Văn hóa Thông tin Ngày xuất bản: 11/2003 Trọng lượng: 100g Số Trang: 121 trang Kích thước 13x19 cm Giá bán: 14.000 đ Thể loại: Tâm lý - Giáo dục Và được thực hiện theo dự án SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG #73 Type+Làm ebook: thanhbt Ngày hoàn thành: 01/07/2015 Dự án ebook #148 thuộc Tủ sách BOOKBT Mục lục TỰA CHƯƠNG I: TRẺ NÀO CŨNG CÓ THẺ HỌC GIỎI ĐƯỢC CHƯƠNG II: TA PHẢI HIỂU BIẾT TRẺ CHƯƠNG III: THEO CHƯƠNG TRÌNH NÀO? LẬP THỜI DỤNG BIỂU CHO TRẺ CHƯƠNG IV: KIỂM SOÁT SỰ HỌC CỦA TRẺ CHƯƠNG V: DẠY TRẺ VÀ GIẢNG LẠI BÀI CHO TRẺ CHƯƠNG VI: HAI MÔN QUAN TRỌNG NHẤT: TÁC VĂN VÀ TOÁN PHÁP CHƯƠNG VII: ĐÓN THẦY DẠY TẠI NHÀ CHO TRẺ HỌC TƯ CHƯƠNG VIII: TRẺ SẮP THI RA TRƯỜNG CHƯƠNG IX: LÀM SAO TRỊ ĐƯỢC TẬT LÀM BIẾNG CỦA TRẺ CHƯƠNG X: GIA ĐÌNH VÀ TRƯỜNG HỌC PHỤ LỤC 1: VÀI TRẮC NGHIỆM VỀ TOÁN PHỤ LỤC 2: TÂN GIÁO DỤC TỰA Khả năng của dân tộc Việt Nam thật là đáng kính! Từ đầu thế kỉ đến nay, khắp thế giới, chưa nước nào chịu nạn chiến tranh lâu như nước ta, non chín năm trời rồi, nếu kể cả từ hồi quân đội Nhật Bản đổ bộ lên Hải Phòng thì là trên mười hai năm. Điều làm cho ta tự hào nhất là trong những hoàn cảnh như vậy mà sự học vẫn phát triển, đều đều và mạnh mẽ. Trường học dựng lên nhiều. Khắp nước tiếng học vang lên. Hồi tiền chiến, cả nước may lắm được độ mười lăm trường Trung học, bây giờ có tới trên trăm rưỡi. Riêng tỉnh Long Xuyên, một miền hẻo lánh ở Hậu Giang có bốn trường Trung học, một công và ba tư. Còn trường Tiểu học thì vô số; nội một con đường nhỏ ở Tân Định (Sài Gòn) là đường Monceaux dài khoảng trăm thước, ta đã đếm được bốn trường. Dân số trong miền chiếm đóng chỉ bằng nửa dân so toàn quốc mà số học sinh ban Tiểu học tăng lên gấp năm, ban Trung học tăng lên gấp mười. Chúng ta quả là một dân tộc hiếu học và tiền đồ của quốc gia phải chói lọi ở phương Đông này. Sự học mạnh tiến như vậy là do nhiều nguyên nhân. Hồi trước người ta hạn chế sự giáo dục, không mở thêm trường, đặt ra những kỳ thi gắt gao để lựa học sinh, không khuyến khích sự mở trường tư; bây giờ thì ngược lại, nên số học sinh tăng lên rất mau. Hồi trước, dùng tiếng Pháp làm chuyển ngữ ngay từ ban Tiểu học nên chỉ có một số học sinh thông minh đôi chút mới theo nổi; bây giờ Việt ngữ thay thế Pháp ngữ thì trẻ nào, miễn là không có bệnh tật và được học đều đều, cũng có thể theo hết ban Trung học đệ nhất cấp. Sau cùng, chính các bực phụ huynh học sinh cũng trọng sự học của con em hơn trước. Trong mấy năm nay, chúng ta thấy biết bao gia tài tưởng ngồi ăn suốt đời cha và đời con cũng không hết, mà ngờ đâu, khói lửa chiến tranh chỉ mới tạt qua một lần, đã tan ra tro bụi! Như vậy thì để của cho con mà làm gì? Có dư bao nhiêu, dùng hết vào sự học của trẻ bấy nhiêu là yêu chúng đấy. Rồi chúng ta lại nghĩ xa hơn: nước Việt Nam độc lập sẽ thiếu rất nhiều cán bộ trong mọi ngành hoạt động, ta phải đào luyện con em để chúng lãnh nổi nhiệm vụ giữ gìn non sông và kiến thiết quốc gia sau này. Nghĩ vậy nên nhiều vị nhịn ăn nhịn tiêu cho con em ăn học. Tôi biết một vị ở Lục tỉnh bỏ ra ba phần năm số lương để nuôi ba người con ăn học ở Sài Gòn; một vị khác, ngày ngày bận chiếc áo vá vai, vá lưng, đạp chiếc xe máy cũ, đi hớt tóc dạo trong những xóm lao động mà tháng nào cũng vậy, mỗi mùng 1 mùng 2 đã đem đủ 600$ lại đóng tiền học cho hai người con ở ban Trung học một tư thục nọ. Chưa bao giờ người cha Việt Nam hi sinh cho con bằng lúc này. Tuy nhiên, ta phải thành thực nhận rằng phẩm chưa được bằng lượng: học sinh có đông mà sức học thì kém. Bằng cấp Tiểu học bây giờ không có giá trị bằng bằng cấp Sơ học hồi 1930, và học lực một cậu tú hồi này không hơn học lực một học sinh đệ nhị hồi trước. Điều ấy cũng dễ hiếu: chúng ta không có đủ nhà giáo chuyên môn, sách giáo khoa còn thiếu, lớp học thì quá đông, chương trình lại thay đổi hoài và nhiều nơi, sự tuyển lựa học sinh không được kỹ lưỡng... Phải diệt những nguyên nhân đó, rồi trình độ chung của học sinh mới tiến lên được. Công việc ấy chưa thể thực hiện gấp mà cũng không thuộc quyền của phụ huynh học sinh; nên chúng ta chỉ có cách là săn sóc sự học của con em tại nhà để phụ lực với nhà trường, cho trẻ mau tấn tới. Nhiều vị phụ huynh hiểu như vậy, dạy thêm hoặc mướn thầy dạy thêm mỗi ngày vài giờ cho trẻ. Nếu trẻ đã lớn thì cho chúng học một lớp tối; những lớp này, trong các đô thị lớn, mọc lên càng ngày càng nhiều. Song săn sóc phải có phương pháp thì mới khỏi hại cho trẻ. Chẳng hạn, bắt trẻ học nhiều quá thì chúng đã chẳng tấn tới mà còn thêm đần độn; giảng lại bài nhà trường cho chúng mà không biết cách thì chúng đã chẳng hiểu mà còn thêm rối óc; hoặc muốn cho trẻ được điểm tốt mà làm cả bài cho chúng thì chỉ là dạy chúng ỷ lại, không chịu suy nghĩ, gắng sức; cho học tư mà không lựa trường thì có khi là khuyến khích chúng nhập bọn với tụi cao bồi; mua sách cho trẻ đọc mà không biết lựa tức là vô tình đầu độc chúng; trẻ vì bệnh tật mà học thụt lùi, lại cho là chúng làm biếng, rầy la, quát tháo thì chỉ làm cho chúng chán nản, buồn tủi và sinh ra oán cha, anh... Vậy săn sóc sự học của trẻ là một bổn phận của phụ huynh và là một nghệ thuật cần biết một chút ít về tâm lý và môn sư phạm. Vì thấy từ trước tới nay chưa có ai giúp độc giả hiểu nghệ thuật đó và làm trọn nhiệm vụ đó, nên chúng tôi soạn cuốn này, đem kinh nghiệm của một người cha và một nhà giáo ra góp ý kiến với chư vị. Chúng tôi ráng viết cho thật giản dị để những bực phụ huynh ít học cũng có thể hiểu và áp dụng ngay được. Những đoạn nào hơi có tính cách chuyên môn, khó hiểu thì chúng tôi cho in chữ nghiêng để độc giả dễ nhận. Những đoạn ấy, hiểu được thì càng hay, không cũng không hại. Chúng tôi lại ráng viết cho vắn tắt, bỏ phần lý thuyết vu vơ để độc giả khỏi chán. Nếu khảo cứu tỉ mỉ về lý thuyết thì nhiều chương trong cuốn này có thể soạn thành những bộ sách hàng ngàn trang được. Chúng tôi vẫn biết phần đông độc giả đều bận bịu như một bạn đồng nghiệp nọ của chúng tôi; đưa cho anh một cuốn về tân giáo dục dày độ bốn trăm trang, anh xua tay và lắc đầu lia lịa: "Không có thì giờ, không có thì giờ", nên tự hạn chế, không viết quá trăm rưỡi trang. Song chúng tôi chắc vẫn có một số độc giả chưa được thỏa mãn khi đọc hết cuốn này và muốn tìm hiểu thêm, nên chúng tôi sẽ kể tên những tác phẩm quan trọng để chư vị đó đỡ mất công tìm kiếm. Tóm lại, chúng tôi chỉ muốn, trong cuốn này, hướng dẫn chư vị một cách thiết thực trong sự săn sóc sự học của trẻ, tuyệt nhiên không có ý nghiên cứu về giáo dục. Sách tuy mỏng mà có thể đem hạnh phúc vào gia đình chư vị đấy. Mỗi lần vào gia đình nào mà thấy dưới ánh đèn, một đầu hoa râm và một đầu xanh cùng cúi trên một trang sách, thì không cần xét điều gì khác nữa, tôi chắc chắn rằng gia đình ấy đương vui vẻ và sẽ thịnh vượng. Sài Gòn, 8-5-1954 CHƯƠNG I: TRẺ NÀO CŨNG CÓ THẺ HỌC GIỎI ĐƯỢC 1. Chỉ cần một điều. 2. Ai cũng có thể săn sóc sự học của con em được. 3. Không săn sóc sự học của trẻ ta không yêu chúng. 4. Trẻ được săn sóc thì học tất phải giỏi. 1 Vâng, đúng vậy; trẻ nào cũng có thể học giỏi được. Tôi nói: có thể học giỏi được, chứ không nói học cũng giỏi hết. Và muốn vậy chỉ cần mỗi một điều: Phụ huynh phải săn sóc sự học của con em. Tất nhiên là phải biết cách săn sóc, nếu không chỉ tai hại cho trẻ như trong bài tựa tôi đã nói. 2 Có bạn sẽ bảo tôi: - Bảy giờ tối ở sở mới về mà còn ôm theo một chồng hồ sơ để làm tới mười hai giờ khuya. Thì giờ đâu mà dạy con? - Thưa bạn, chắc bạn là một tỉnh trưởng hoặc một đổng lý văn phòng. Bạn hi sinh cho quốc dân : đáng quí lắm! Nhưng bạn thử tổ chức lại công việc trong sở xem có thể tiết kiệm về công việc này được năm phút, công việc kia được mười phút không? Có thể nào huấn luyện những người giúp việc rồi giao bớt trách nhiệm cho họ được không? Nếu không được thì bạn là người rất đáng kính hoặc đáng thương; bạn đã hi sinh thân bạn và cả tương lai của con bạn cho công việc của bạn vậy. Bạn khác nói: - Tính tôi Trương Phi lắm. Chỉ dạy năm phút là tôi la, tôi cú, tôi hét, tôi đập. Mệt cho mình mà tội cho trẻ. Vâng. Tính tình của tôi cũng vậy, dễ quạu lắm. Nhưng từ khi đọc những sách về tâm lý, về giáo dục để hiểu trẻ thì tôi sinh ra hiền từ vì nhận rằng chính người lớn chúng ta mới ngu xuẩn và đầy tội lỗi, chứ trẻ thì hầu hết là ngây thơ và dễ thương. Một bạn thứ ba thú thật: - Tôi được học ít lắm ông ạ, chỉ biết đọc biết viết thôi, như vậy làm sao săn sóc sự học của trẻ được? - Sao lại không? Giảng một bài toán cho các em lớp nhất lớp nhì thì không được, nhưng coi sổ nhà trường gởi về, bạn vẫn có thể biết được trẻ giỏi môn nào, dở môn nào; và sau khi đọc cuốn này bạn có thể biết cách học của trẻ có hợp lý không, nên sửa đổi ra sao... Nếu bạn lại chịu khó cùng học với trẻ thì bạn có thể giảng bài cho chúng được lắm chứ, vì người lớn chúng ta mau hiểu và hiểu rõ hơn chúng. Như vậy gia đình được vui vẻ mà bạn lại biết thêm ít nhiều thường thức cần thiết cho mỗi công dân ở thời buổi này. 3 Vậy, tôi xin nhắc lại, ai cũng có thể săn sóc sự học của trẻ, ít nhất là tới hết ban Tiểu học. Nếu không săn sóc là không thương chúng. Các bạn mỉm cười: - Ông đừng nói quá chứ. Tôi mà không thương con tôi ư? Này, ông Lê, ông biết không... - Thưa tôi biết, tôi biết các bạn yêu con lắm. Cục máu của mình mà! Nhưng có nhiều cách yêu. Và tôi ngờ rằng lối yêu con của các bạn cũng như lối yêu hoa của tôi. Tôi vẫn tự hào là rất yêu hoa và vẫn thường ngâm câu: Hoa thị mỹ nhân, thư thị hữu (Hoa là người đẹp, sách là bạn thân). Tôi yêu nhất là hồng; mấy năm trước, trên bàn viết của tôi không ngày nào thiếu thứ hoa hậu đó, nhưng đêm nào cũng phải xách đèn ra vườn bắt hàng trăm con rầy, bắt đi bắt lại hai ba lần thì xin thú thực là tôi không đủ kiên tâm. Một lần, vào thăm một vườn hồng ở gần cầu máy Long Xuyên, tôi thấy chủ nhân tóc râu bạc phơ, đội chiếc nón lá, cặm cụi dưới ánh nắng tỉa cành này, tưới gốc khác, thay phân, bắt sâu, làm giàn, lên luống tôi phải bái phục và nhận rằng lòng yêu hoa của tôi không sao sánh được với lòng yêu hoa của cụ. Cụ có trên ba chục gốc hồng mà gốc nào cũng tươi tốt, lá không bị rầy ăn lỗ chỗ. Các bạn yêu con có được như cụ già đó yêu hoa không? Nếu được thì tôi chắc chắn là bận việc đến đâu, bạn cũng kiếm được thì giờ dạy trẻ và nóng tính đến đâu, bạn cũng hóa ra kiên nhẫn. 4 Và một khi được săn sóc kỹ lưỡng, có phương pháp thì chỉ trừ một vài em vì bệnh tật mà hóa đần độn, còn trẻ nào cũng đủ sức theo ban Tiểu học một cách dễ dàng, nghĩa là có thể thành một trò giỏi được. Tôi đã nghiệm, tại ban Tiểu học, em nào được người nhà săn sóc đến sự học thì dù gia đình nghèo hèn, bẩm tính trì độn cũng đứng vào hạng khá trong lớp. Nếu bỏ mặc các em đó trong vài tháng đương ngồi hạng 5, hạng 6, các em thụt xuống hạng 30-40 ngay. Trường hợp đó chính là trường hợp của tôi hồi nhỏ. Ba tôi rất chú trọng đến sự học của chúng tôi; năm tám tuổi, tôi vào học lớp dự bị trường Yên Phụ, đứng hạng trung bình trong lớp. Chẳng may ít tháng sau ba tôi mất, mẹ tôi bận buôn bán và không biết chữ, bỏ mặc tôi, tôi hóa lêu lổng, suốt ngày đánh bi, đá cầu, học mỗi ngày một thụt lùi, đến nỗi có lần suýt bị đuổi và rút cục tôi phải ngồi ở lớp ấy hai năm rưỡi mới được lên lớp Sơ đẳng. Phí biết bao thời giờ! Càng lên cao, số học sinh theo nổi chương trình càng ít, nên ta thấy ở ban Tiểu học nhiều em luôn luôn đứng đầu lớp mà lên ban Trung học thì mỗi năm một xuống hạng. Tuy nhiên, nếu biết phương pháp dạy và săn sóc thì trong mỗi lớp ban Trung học ít gì cũng có ba phần tư học sinh theo nổi chương trình, chứ không đến nỗi tệ như bây giờ : may lắm chỉ được một phần tư. CHƯƠNG II: TA PHẢI HIỂU BIẾT TRẺ Đừng coi trẻ như một người lớn thu nhỏ lại hoặc thiếu thông minh. Tuổi thơ là tuổi dự bị thành người lớn và một bản năng bí mật thúc đẩy trẻ em làm tất cả những cái gì cần thiết để thành người lớn. CLARAPÈDE 1. Tâm lý trẻ rất khó hiểu 2. Sự phát triển về cơ thể của trẻ 3. Sự phát triển về nhu cầu của trẻ 4. Sự phát triển về tinh thần của trẻ 5. Bốn hạng trẻ 6. Bảy hạng học sinh 7.Đo tinh thần trẻ 1 Hồi xưa, một hiền triết Trung Hoa nhìn đàn vịt lội dưới ao, bảo bạn: - Anh coi kìa, đàn vịt thung thăng trên mặt nước, sung sướng thay! Người bạn bẻ: - Anh không phải là vịt, sao biết được là vịt sướng? Nhà hiền triết vặn lại: - Anh không phải là tôi, sao biết rằng tôi có thể biết được là vịt sướng? Câu chuyện đó đáng cho ta nhớ tới khi ta tìm hiểu trẻ. Trẻ là một thế giới gần như hoàn toàn bí mật đối với chúng ta. Hàng trăm tâm lý gia cặm cụi nghiên cứu tuổi thơ mà vẫn chưa tìm tòi ra được gì nhiều, chỉ do một lẽ: chúng ta không còn là con trẻ nữa. Chúng ta không còn nhớ những cảm tưởng, tư tưởng của ta hồi nhỏ, thành thử chỉ có cách đem những cảm tưởng, tư tưởng của ta bây giờ mà xét trẻ. Xét như vậy thường lầm lẫn. Ta thích những màu lạt như màu tro, màu da trời... tưởng trẻ cũng thích màu đó rồi cứ theo ý ta mà lựa đồ chơi cho chúng, không ngờ rằng chúng thích những màu rực rỡ vàng và đỏ. Giữa trưa, nghe tiếng gà gáy, ta cho là buồn mà trẻ cho là vui. 3 với 4 là 7. Điều đó ta cho là dễ hiểu quá, mà sao trẻ học hoài không nhớ, rồi nổi cơn thịnh nộ lên, ta mắng chúng: "Đồ ngu! Lớn lên chỉ có đi ăn mày!". Đã vậy, ngôn ngữ của trẻ lại khác ngôn ngữ của ta, làm cho giữa chúng và ta có cả một bức màn sắt. Một anh bạn tôi chán nản khi thấy đứa con trai của anh mới "tí tuổi đầu" đã biết nói dối, bảo "chị vú chửi em" khi chị vú chỉ rầy nhẹ thôi. Nửa tháng sau, anh mới khám phá ra được rằng nó chẳng có lỗi gì cả, vì đã dùng sai tiếng chửi, cho là đồng nghĩa với tiếng rầy. Một lẽ nữa, là cha mẹ xét con cái thường có thiên kiến, hoặc cưng con quá mà không thấy tật của chúng, hoặc có cao vọng quá, chỉ ao ước sau này chúng thành những vĩ nhân, rồi dễ sinh chán nản. 2 Tâm lý của trẻ càng khó hiếu, ta càng phải thận trọng và luôn luôn nhớ lời khuyên của Clarapède [1] tôi đã dẫn ở đầu chương: "Đừng coi trẻ như một người lớn thu nhỏ lại hoặc thiếu thông minh. Tuổi thơ là tuổi dự bị thành người lớn và một bản năng bí mật thúc đẩy trẻ làm tất cả những cái gì cần thiết để thành người lớn". Trước hết, ta phải biết cơ thể chúng phát triển ra sao. A. Binet [2] đã lập một bảng cho biết trung bình, một đứa nhỏ mấy tuổi thì cao bao nhiêu, nặng bao nhiêu. Tôi không chép bảng đó tại đây vì trẻ con Việt khác trẻ con Pháp rất xa. Vả lại, bẩm sinh ra có trẻ cao, có trẻ lùn, có trẻ mập, có trẻ ốm, không thể theo đúng những số trung bình trong bảng được. Bạn chỉ cần nhớ những điều này là sự phát triển của trẻ phải đều đều. Nếu trong một thời gian nào đó, chiều cao hoặc sức nặng của trẻ bỗng nhiên ngưng lại thì phải để ý ngay đến sức khỏe của chúng. Có khi chiều cao và sức nặng vọt lên, trẻ mau lớn như thổi, hình dáng thay đổi ít nhiều, bộ thần kinh như rối loạn, tính tình hóa quạu quọ, ăn ít dễ mệt, hay nằm, ngủ nhiều... lúc đó là lúc phát dục của trẻ, ta nên ôn tồn với chúng, cho chúng nghỉ ngơi, uống thuốc bổ. Thời phát dục quan trọng nhất của trẻ là tuổi dậy thì. Ta lại phải nhờ lương y xét tai, mắt và cơ quan hô hấp của trẻ xem có tật không. Nếu có thì ta đừng ngạc nhiên mà thấy trẻ học không tấn tới. Chịu khó tìm hiểu trẻ như vậy, ta sẽ công bình với chúng vì ta biết rằng chúng không hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự làm biếng, sự vô ý của chúng và nhiều khi, chỉ cần cho chúng nghỉ ngơi hoặc uống vài vị thuốc, là những tật về tinh thần ấy sẽ biến hết. 3 Sự phát triển về nhu cầu của trẻ luôn luôn theo một luật nhất định. Trong năm đầu, tất cả nhu cầu của trẻ hướng về sự dưỡng sinh: chúng phát triển như loài thảo mộc, chỉ cần thức ăn, không khí và hơi nóng. Nhu cầu của chúng là nhu cầu cảm giác: chúng ngó, nghe, đưa mọi vật lên miệng để bú, dùng ngũ quan để dò xét vạn vật. Từ 10, 12 tháng trở đi, chúng bập bẹ tập nói. Tới khi 3 tuổi, chúng ham chơi, tọc mạch, luôn luôn hỏi ta: "Tại sao? Thế nào?" và rất thích nghe truyện cổ tích, truyện thú vật. Từ 7 tuổi trở đi, chúng ưa hoạt động và hội họp, chỉ hoàn toàn sung sướng khi quây quần với bạn trạc tuổi mà đùa giỡn. Tới tuổi thiếu niên, tâm hồn chúng thay đổi hẳn, không hướng ra ngoài mà hướng vào trong. Lúc này là lúc chúng lầm lì, e lệ, mơ mộng, nhưng bắt đầu biết nghĩ đến tương lai và nuôi một lý tưởng. Chúng ta phải biết luật phát triển đó để đỡ lầm lẫn trong khi dạy trẻ. Tôi nhớ hồi còn 7 tuổi, bị những trận đòn kinh hồn mà vẫn không chừa tật ham chơi. Hồi ấy tôi còn học bộ "Hán tự tân thư". Ba tôi thường giảng bài cho tôi rồi đi vì việc riêng. Lần nào người cũng dặn tôi: "Ở nhà, học thuộc bài rồi hãy đi chơi nhé". Lần nào tồi cũng "vâng" nhưng mới ê a được độ vài phút, là bỏ sách vở, chạy kiếm hai đứa em họ ở nhà ngoài, rủ chúng đánh bi. Thành thử cứ hai, ba ngày tôi bị một trận đòn nhừ tử. Có lần ba tôi giận quá dọa thiêu sống tôi, bịt mắt tôi lại, trói tôi vào một cái ghế, tẩm dầu lửa vào giẻ rách, buộc vào chân tôi, rồi đánh cây quẹt châm. Nghe tiếng quẹt cháy, tôi hết hồn, van lạy rối rít. Một lần khác, đương mùa đông, người lột hết quần áo của tôi, đuổi ra khỏi nhà. Tôi ngồi thu thu, run cầm cập, sau cánh cửa nhà ngoài. Gió bấc thổi qua khe cửa, buốt tới xương. Mãi tới khi lên đèn, cả nhà ăn cơm rồi, bà ngoại tôi mới lọ mọ ra dắt tôi vào, đưa quần áo tôi bận và bảo tôi xin lỗi ba tôi. Cũng như mọi nhà nho khác, ba tôi dạy chúng tôi nghiêm khắc như vậy, vì người không hiểu tâm lý của trẻ. Bây giờ thì tôi hiểu: bảy tuổi là tuổi ham chơi với chúng bạn; tuổi đó mà bắt trẻ phải tự chủ, ngồi từ bi học thuộc bài trong khi không có ai kiềm chế ở bên, thì tức là coi trẻ như "một người lớn thu nhỏ lại", tức là không biết cái "bản năng bí mật nó thúc đẩy trẻ" chạy nhảy, đùa giỡn với bạn bè để cho cơ thể phát triển. 4 Ông Ad. Ferriere, trong cuốn "Sửa đổi trường học" (Transformons 1'école) chia từ 7 đến 18 tuổi làm bốn thời kỳ. -Từ 7 đến 9 tuổi, các em để ý đến những vật hiện có ở chung quanh và chỉ hiểu những cái gì có ích lợi thiết thực. -Từ 10 đến 12 tuổi, trẻ đã biết để ý đến nhũng vật xa cách chúng trong không gian và thời gian, nên thích sử ký, địa lý, du ký, nhưng vẫn chỉ chú trọng đến phương diện thiết thực. -Từ 13 đến 15 tuổi, các em mới bắt đầu hiểu những cái trừu tượng giản dị. Tuổi đó, người ta có thể bắt đầu dạy văn phạm, vật lý học, hóa học và những cách phân loại. -Từ 16 đến 18 tuổi, thiếu niên thích những trừu tượng rắc rối hơn như sinh lý, tâm lý, triết lý, tôn giáo, chính trị, kinh tế... [3] Hết thảy các nhà tân giáo dục đều chú ý đến luật phát triển tinh thần đó để tùy tuổi mà lập chương trình, định phương pháp. Trẻ mới 9 tuổi, chưa biết phân tích mà dạy phân tích mệnh đề thì chỉ là công dã tràng. Trái lại, trẻ từ 5 tuổi, đương ở trong tuổi tập nói, tuy chưa biết suy nghĩ, tìm mối liên lạc giữa các ý, nhưng ký tính rất mẫn tiệp và chuyên nhớ bằng tai, mắt, bằng cử động mà không cho trẻ học nhiều dụng ngữ, tập viết và tập đọc thì thật là có tội với chúng. Ta làm cho chúng bỏ phí thời gian và sau này, muốn học những môn đó sẽ khó nhọc và lâu nhớ. Tôi đã thấy một em nhỏ thông minh trung bình, sinh trong một gia đình văn học, chỉ vì học quá trễ, 8 tuổi mới ê a vần quốc ngữ, mà lớn lên vẫn chưa thuộc bảng cửu chương, viết và đọc rất chậm. Cũng may là trường hợp của em đó ít khi xảy ra. Song phần đông phụ huynh học sinh lại mắc cái lỗi trái hắn, lỗi "nhóm lúa cho mau lớn". Chắc bạn còn nhớ câu chuyện Mạnh Tử kể? Một anh chàng nọ mới cấy lúa được vài ngày, sáng ra thăm ruộng, không thấy lúa mọc cao thêm được chút nào, nóng ruột, nắm cây lúa kéo lên một chút, hôm sau lại kéo lên chút nữa, ba bữa lúa chết khô hết. Chúng ta khen Mạnh Tử là khéo đặt chuyện mà không ngờ hiện nay trong giới phụ huynh học sinh, mười người thì có hai, ba người làm công việc nhóm lúa vô ý thức ấy. Trẻ chỉ vừa đủ sức theo chương trình thì người ta bắt chúng nhảy lớp, học ngày học đêm đến nỗi xanh xao, loạn óc, mỗi ngày một thụt lùi, sau phải phá ngang. Có trẻ, ông giáo bảo phải ở lại, mà phụ huynh cứ nhất định nằng nặc xin cho lên lớp, rồi hạ giọng: "Cháu nó bảo nếu phải ở lại thì nó sẽ vô bưng vì ở ngoài này mắc cỡ với bạn bè lắm". Không biết có phải người ta muốn dọa ông thầy không? Ông thầy, một người có lương tâm, vì cái lợi của trẻ mà cương quyết giữ ý mình. Người ta không hiểu ông, sinh lòng oán ông, cho con thôi học. Sau em đó lên Sài Gòn chứ không vô bưng, học sao không biết mà thi bằng Thành Chung và bằng Trung học đệ nhất cấp luôn ba năm, rớt cả tám kỳ! Rồi biết bao gia đình bắt trẻ học một năm hai lớp, biết bao trường học quảng cáo rầm trên mặt báo là dạy chương trình Thành Chung trong hai năm. Tôi vẫn biết có những vị thấy con đã lớn tuổi mà học trễ, sinh nóng lòng; tình cảnh của những vị ấy cũng đáng ngại. Tôi vẫn biết có những trẻ học tới lớp nhất rồi tản cư, 18 tuổi mới về thành tiếp tục học lại, hăm hở học để đuổi kịp các bạn cũ; chí của các em đó thực đáng khen. Song óc của người ta không phải như cái máy cưa, một giờ cưa được 10 tấm ván, thì mỗi ngày chạy luôn 24 giờ sẽ cưa được 240 tấm ván và mỗi năm chạy 365 ngày, sẽ cưa được 365 lần 240 tấm ván. Mà dù máy bằng thép chạy theo cái điệu đó thì cũng chỉ vài tháng là hư, huống hồ là bộ óc của con người. Có những bực tuyệt thế thông minh, học hai năm bằng người khác học mười năm. Ta đừng nên mong rằng con em chúng ta thuộc vào hạng tinh hoa của non sông ấy, mà dễ sinh thất vọng. 5 Biết tâm lý chung của trẻ rồi, ta lại nên biết tâm lý riêng của mỗi em. Các y sĩ chia cá tính làm 4 hạng: - Hạng đảm chất trong máu có nước mật, da thường nóng, khô, vàng; ít thịt nhiều xương, tính tình nóng nảy, hiếu thắng. Rất ít trẻ ở trong hạng đó. - Hạng huyết chất, nhiều máu, da hồng hào và nóng, ít đau ốm, ưa hoạt động; ham chơi mà cũng thích học, nhưng thường nông nổi, ít suy nghĩ. - Hạng thần kinh chất, gầy, xanh xao, mắt sáng, ưa hoạt động nhưng dễ mệt, dễ đau, ngủ ít, ăn ít; hăng hái làm việc một lúc rồi phải nghỉ; tưởng tượng mạnh, có sáng kiến mà không bền chí. - Hạng lâm ba chất, mập; da hồng hào, mát, bắp thịt nhão; sợ lạnh, ngủ nhiều, làm biếng, ưa ngồi yên một chỗ, ít hoạt động. Lâm ba là một chất trong huyết trắng. Người Trung Hoa dịch âm chữ "lymphe" rồi ta phiên âm thành "lâm ba". Mỗi trẻ có một cá tính riêng thì tất nhiên có một tiết điệu riêng, một cách làm việc riêng. Chẳng hạn, một em trong hạng huyết chất, tính tình nông nổi, nếu ta không hướng dẫn cho em tập suy nghĩ mà cứ luôn luôn rầy em là bộp chộp, vô ý vô tứ thì ta càng săn sóc em bao nhiêu càng hại cho em bấy nhiêu. Một em khác, trong hạng lâm ba chất, tính vốn chậm chạp mà lúc nào ta cũng giậm chân thét: "Mau lên, sao chậm như rùa vậy?" thì chắc chắn em sẽ oán ta và oán luôn cả sự học. Tuy nhiên, xin bạn để ý đến hai điều này: - Trong đời, ít người có cá tính đơn thuần như bốn hạng trên. Thường thì chúng ta vừa đảm chất lại vừa thần kinh chất; hoặc vừa huyết chất, vừa đảm chất... nên phải xét trẻ rất kỹ mới rõ được cá tính của chúng. - Cá tính của trẻ không phải là không thay đổi được. Một sự doanh dưỡng và dạy dỗ khéo léo có thể sửa cá tính được ít nhiều. Chẳng hạn một em thần kinh chất nên cho vận động nhè nhẹ, ngủ nhiều ở một nơi yên tĩnh, không bao giờ dùng những chất kích thích thần kinh, làm việc đều đều, ăn những chất bổ huyết và mát thì dần dần có thể bớt thần kinh chất mà thêm huyết chất. [4] 6 Sau cùng, bạn nên biết trẻ vào hạng nào trong bảy hạng học sinh sau này để đừng đòi hỏi trẻ quá nhiều và có thể hướng dẫn chúng trong sự lựa nghề. - Hạng cao đẳng quân bình có thiên tư về hết thảy các môn, môn nào cũng thích ngang nhau và thành công rực rỡ. - Hạng cao đẳng không quân bình, có ít nhiều thiên tư trội hơn những thiên tư khác môn nào cũng giỏi, nhưng chỉ hai ba môn là thích nhất. - Hạng trung bình có ít nhiều thiên tư trội hơn những thiên tư khác, nói chung thì môn nào cũng khá, song có vài môn hơi kém và ít môn rất xuất sắc. - Hạng trung bình quân bình, môn nào cũng giỏi được mà không môn nào xuất sắc. - Hạng trung bình và rất kém về vài món. - Hạng kém mà quân bình, không thích môn nào cả, mà môn nào cũng không có kết quả. - Hạng kém mà có thiên tư về một vài môn. Hạng này rất đông mà thường bị khinh bỉ một cách vô lý. Chúng vào lớp học thì bơ phờ, tháng nào cũng đứng gần cuối sổ, thầy thất vọng và cha mẹ buồn tủi. Nhưng khi chúng mười lăm, mười sáu tuổi thì tự nhiên ta thấy chúng ham mê vô cùng một vài môn nào đó, như âm nhạc,hội họa, hoặc máy móc, thể thao, thương mãi... Nếu được hướng dẫn kỹ lưỡng thì sau này chúng sẽ thành công hơn hết thảy những trò khác. Nhà giáo nào cũng nhận thấy có những trò lúc học với mình, bị mình chê là vô dụng, là "không sao mở mặt được với đời" mà mới cách biệt độ mươi năm, đã thấy chúng giàu sang, được trọng vọng hơn mình, lại hoạt bát, thông minh, đứng đắn nữa. Sở dĩ vậy là những trò đó đã gặp cơ hội phát triển triệt để thiên tư của mình. [5] Chỉ một số rất ít trẻ là tỏ ra có thiên tư ngay từ hồi sáu, bảy tuổi, còn phần đông tới mười sáu, mười bảy tuổi hoặc trễ hơn nữa mới cho ta thấy có khiếu về môn nào, ghét môn nào, thích môn nào. Theo kinh nghiệm riêng của tôi thì trẻ trong ban Tiểu học mà dở toán hay chính tả, ghét môn này hay môn nọ, là tại ông giáo hoặc chương trình, chứ không phải tại chúng. Trong ban ấy; một đứa trẻ không bệnh tật, được dạy dỗ đúng phép thì môn nào cũng có thể khá được. 7 Tinh thần của trẻ phát triển rất không đều. Có trẻ hiểu sớm, có trẻ hiểu chậm. Cùng là tám tuổi mà em này thông minh bằng một đứa mười tuổi, em khác lại trì độn chỉ bằng một đứa sáu tuổi. Vậy trong sự giáo dục, cứ theo tuổi mà sắp trẻ thì không đúng; phải sắp theo trình độ tinh thần của chúng. Có những bực phụ huynh phàn nàn: "Con người ta 15 tuổi đã sắp thi tú tài, con tôi 15 tuổi mới học năm thứ nhất" rồi rầy mắng trẻ, mỉa mai chúng, đay nghiến chúng; như vậy là bất công với chúng, là không hiểu chút gì về tâm lý và môn sư phạm. Tinh thần phát triển chậm không đáng buồn; nó ngừng phát triển thì mới đáng lo; mà nhồi sọ trẻ quá, rầy la chúng quá, có thể làm cho óc chúng không phát triển nữa mà sự học sẽ thụt lùi. Các nhà tâm lý Âu, Mỹ đã đặt ra những trắc nghiệm để đo tinh thần trẻ. Chẳng hạn muốn đo kí tính của một em nào, ta đọc chầm chậm và rành mạch 6 danh từ mà em ấy hiểu nghĩa; 6 danh từ ấy nghĩa không liên lạc gì với nhau, không lầm lộn với nhau được, như ghế dựa, xe tăng, con chó, cái đồng hồ, cây xoài, cái lược. Chúng ta lặp lại hai lần rồi bảo em ấy chép lên giấy xem có nhớ đủ không. Mỗi tiếng chép đúng được một điểm. Muốn đo sự chú ý của trẻ ta bảo chúng gạch dưới hết những chữ a trong mươi hàng chữ in. Công việc ấy phải làm trong một thời gian nhất định là nửa phút hay một phút. Mỗi chữ gạch sai hoặc không gạch, kể là một điểm. Trẻ nào có nhiều điểm là lơ đễnh nhất. Ta không thể chỉ căn cứ vào lối trắc nghiệm đó mà bảo là biết rõ tinh thần của trẻ được. Nhưng nếu ta chịu nhận xét trẻ rồi lại dùng những trắc nghiệm ấy để kiểm điểm sự nhận xét của ta thì ta ít khi lầm lẫn lắm. Ở nước ta, mới có một cuốn nhỏ của ông Đàm Quang Thiện, chỉ ít nhiều trắc nghiệm để đo tinh thần của trẻ, tức cuốn Một phương pháp đo tinh thần độ của trẻ em. Cuốn ấy xuất bản đã hai chục năm, không thấy tái bản. Bạn nào muốn biết rõ về phương pháp trắc nghiệm nên coi thêm cuốn Precis d'une psychologie de l'enfant của G. Collin, nhà xuất bản Delagrave. Bao giờ các nhà giáo nước mình mới áp dụng những phương pháp Âu Mỹ để lập những trắc nghiệm đo tinh thần và dò tâm lý của trẻ em Việt? [6] CHƯƠNG III: THEO CHƯƠNG TRÌNH NÀO? LẬP THỜI DỤNG BIỂU CHO TRẺ 1. Một nỗi khổ tâm chung 2. Nên nghĩ đến tương lai của trẻ 3. Nền giáo dục hiện thời 4. Nên biết chương trình mỗi năm học của trẻ 5. Lập thời dụng biểu cho trẻ 1 Hôm đó là ngày cuối kỳ lễ Phục sinh năm ngoái. Tôi đương đọc sách, thấy một trò nhỏ thập thò ở cửa, tôi gọi vào: - Cháu lại thăm thầy có việc chi vậy? Trò N. bước vào, cúi đầu chào rồi thưa: - Con lại chào thầy, mai con đi Sài Gòn. Tôi ngạc nhiên, nhìn sắc diện trò đó, hỏi: - Cháu đau gì đấy? - Thưa, con không đau chi hết. Con lên trên đó học. - Cháu đã xin được vô trường Gia Long ư? - Thưa không, con lên học trường tư. Tôi đã bắt đầu hiểu, hỏi: - Chắc cháu lại muốn theo chương trình Pháp phải không? - Dạ. Đã có nhiều trò bỏ lên Sài Gòn học, nhưng trò N. mà cũng đi thì thực tôi không ngờ. Trò ấy giỏi và siêng, được thầy và bạn đều mến. Tôi ngồi lặng thinh một chút, hơi buồn, rồi hỏi tiếp: - Lên trên đó, cháu xin vào lớp đệ ngũ của Pháp? Cháu không biết một tiếng Anh, làm sao theo nổi? - Thưa, con sẽ ráng. - Những môn Sử, Địa, Toán, Vật lý... đều dạy bằng tiếng Pháp. Học một bài Luân lý, hoặc Sử ký bằng tiếng Việt, chỉ độ nửa giờ là cháu thuộc; còn học bằng tiếng Pháp thì phải mất hai giờ mà không sao hiểu kỹ bằng học tiếng Việt, phải không? - Dạ, phải. - Thầy biết nhà cháu cũng không giàu có gì. Ở đây cháu ăn cơm, khỏi tốn học phí lại có thêm học bổng; lên trên đó, mỗi tháng tốn kém ít nhất là 1.000$. Vậy mà sao ba cháu cho cháu lên? - Thưa thầy, ba con và con đều không muốn con theo chương trình Pháp, nhưng ba con nghĩ, vì gia cảnh, ít năm nữa, chắc con phải thôi học; nếu theo chương trình Việt, sợ sau này không kiếm được việc làm để giúp nhà. Thi vào các công sở, phải thông tiếng Pháp. Học một ngành chuyên môn nào cũng phải thông tiếng Pháp. Vì lẽ đó, ba con ráng chịu tốn tiền cho con lên Sài Gòn. Trong thâm tâm tôi tin chắc rằng chỉ ít năm nữa sẽ có sự thay đổi, tiếng Việt sẽ chiếm lại được địa vị của tiếng Pháp trong các trường học cũng như trong các công sở. Tôi tin chắc như vậy vì không lẽ gì Bộ Quốc gia Giáo dục không tôn trọng nguyện vọng của đa số dân tộc Việt Nam, không lẽ gì một nước đã thống nhất mà công văn ở Bắc Việt viết bằng Việt ngữ, ở Nam lại viết bằng Pháp ngữ. Nhưng trước những lý lẽ quá thiết thực, trước sự mưu sinh cấp bách của gia đình trò N. tôi còn biết nói làm sao nữa? 2 Lời dự đoán của tôi năm ngoái, năm nay đã thực hiện được một phần. Chính phủ mới ra chỉ thị cho các công sở phải dùng tiếng Việt, trừ những sở có tính cách kỹ thuật như Sở Công chánh; và tôi mới nhận được một bức thư của ông Thủ hiến Nam Việt, viết bằng tiếng Việt, chấp nhận cho tôi thôi dạy tại trường Thoại Ngọc Hầu. Tôi nhớ lại, mới năm ngoái, đơn xin nghỉ dạy của tôi gởi lên ông giám đốc Nha Học chánh Nam Việt còn phải viết bằng tiếng Pháp. [7] Nhưng hiện nay, (tháng 5dl, năm 1954) ta đã thấy có mòi chuyển hướng: trong cuộc thương thuyết Pháp Việt ở Paris, chính phủ Pháp sau nhiều do dự, đã tuyên bố trả lại độc lập hoàn toàn cho Việt Nam và hết thảy các quốc gia lưu tâm đến vấn đề Đông Dương như Mỹ, Anh, Ấn... cũng hối thúc Pháp phải thực hiện ngay ý định đó. Vậy địa vị của Pháp ngữ lúc này tuy còn quan trọng nhưng sẽ mỗi ngày mỗi kém; địa vị của Việt ngữ trái lại, sẽ mỗi ngày mỗi tiến và những ai biết nhìn xa, tất cho trẻ nhỏ theo chương trình Việt; còn đối với những em nào đã lớn, đương theo chương trình Pháp thì khuyến khích các em ấy trau dồi thềm tiếng Việt. Hiểu như vậy là biết trông thấy cái lợi của trẻ, cái lợi trước mắt: học tiếng Việt, trẻ mau hiểu, đỡ mệt hơn học tiếng Pháp; và cái lợi sau này: chỉ độ mười năm nữa, người Việt nào giỏi ngoại ngữ mà không thông tiếng Việt sẽ bị chê cười lắm. [8] Nền giáo dục hiện thời có nhiều khuyết điểm mà tôi đã vạch ra trong cuốn "Thế hệ ngày mai". Bạn nên biết những khuyết điểm ấy để sửa chữa được phần nào hay phần ấy, trong khi săn sóc sự học con em. Chẳng hạn, bạn biết rằng chương trình nặng về lý thuyết quá thì về nhà bạn nên cho trẻ thường nhận xét, suy nghĩ và bớt học thuộc lòng đi. Một em chín tuổi ngồi lớp nhì mà phải tụng ra rả những câu như: "Có ba quyền: quyền lập pháp, quyền hành pháp, và quyền tư pháp:" thì tội nghiệp cho em quá. Tất nhiên là phải theo chương trình, không nên bảo trẻ rằng: "Điều con học đó khó quá, con chưa hiểu nổi, thôi bỏ đi, đừng học"; nhưng bạn có thể cho trẻ học qua vài lần rồi học bài khác và nếu trẻ có bị ông giáo phạt vì không thuộc câu đó thì bạn chỉ nên mỉm cười, đừng rầy trẻ mà thứ nhứt là đừng giận ông thầy. 4 Nếu bạn giảng lại bài nhà trường cho trẻ thì đầu mỗi năm học, bạn nên biết chương trình trong năm sẽ dạy những gì để mua sách, tìm hiểu thêm về những môn dạy. Biết chương trình còn có lợi này nữa là mình kiểm soát được sự dạy học ở nhà trường, xem ông thầy có ra ngoài chương trình không, có dạy hết chương trình không, dạy mau quá hay chậm quá. Biết như vậy, không phải để trách ông thầy đâu - đừng bao giờ làm cái việc thất nhân tâm ấy - mà để hiểu giá trị của ông thầy và nhất là để có thể công bình với trẻ: chẳng hạn nhà trường dạy mau quá hoặc cao quá, trẻ theo không nổi thì đâu phải là lỗi của trẻ; còn như nếu nhà trường theo đúng chương trình mà trẻ không tấn tới thì trách nhiệm đâu phải là về ông thầy? 5 Nếu không biết chương trình niên học thì ít nhất bạn cũng phải biết thời dụng biểu trong lớp để lập một thời dụng biểu ở nhà cho trẻ. Tôi xin chép lại đây một đoạn trong cuốn "Kim chỉ nam của học sinh", chỉ những qui tắc nên theo khi lập thời dụng biểu ấy: a. Bài ở trường ra, về nhà nên học ngay, làm ngay rồi gần đến ngày trả, đọc lại một hai lần. Theo cách đó, được rất nhiều lợi: - bài mới giảng, học mau thuộc và nhớ được gần hết những lời giảng; - học trước một lần, gần tới ngày trả bài, coi lại, như vậy gần như học hai lần, nhớ lâu hơn; - công việc lúc nào cũng xong trước, không bao giờ trễ hoặc vội vàng; - rủi có đau ốm, phải nghỉ hai ba ngày, tới khi đi học, bài vẫn thuộc, bài làm vẫn đủ. b. Buổi sáng, óc dễ suy nghĩ, nên làm những bài khó như toán, tác văn. c. Buổi trưa, nên làm những việc nhẹ nhàng như trả lời các câu hỏi sau bài Chính tả, tra nghĩa những chữ khó trong bài Giảng văn. d. Nên học những bài ám độc vào lúc trước khi đi ngủ, như vậy mau thuộc vì trong khi ta ngủ, óc ta cũng làm việc. Ai cũng nhận thấy có nhiều bài lúc đi ngủ chưa thuộc mà sáng dậy, chỉ ôn lại một lần là thuộc làu làu. đ. Nên thường thay đổi công việc cho óc lâu mệt. Không nên học hoặc làm một bài quá một giờ. [9] Nếu chưa xong, nên để lúc khác sẽ học tiếp, làm tiếp. Tuy vậy, trong khi làm bài tác văn, nếu ý đương ra thì viết cho hết, vì óc đã có cái "đà" rồi để lúc khác, khó nghĩ hơn. Bạn nên để ý: lập một thời dụng biểu cũng như lập một chương trình, không thể hoàn toàn ngay được. Vì trong khi lập, không ai đoán trước được hết những sự bất ngờ sẽ xảy ra, cho nên phải sửa đổi lần lần trong lúc áp dụng, tùy trình độ, hoàn cảnh của mỗi em. Các em lớp năm, tư chỉ nên bắt học ở nhà mỗi ngày độ nửa giờ, một giờ thôi. Lên lớp nhất, cuối năm các em phải thi ra, thì phải học ở nhà nhiều hơn, nhưng tôi tưởng mỗi ngày không nên quá hai giờ. Học sinh lớp đó trung bình 11-12 tuổi, học ở trường 5 giờ, ở nhà 2 giờ, cộng là 7 giờ một ngày, nhiều lắm rồi. Có những ông giáo siêng quá, muốn học trò mình đậu nhiều, dạy thêm toán, chính tả và tác văn cho trẻ trọn buổi sáng thứ năm và chủ nhật; rồi một số phụ huynh thấy vậy chưa đủ, bắt trẻ học tư thêm mỗi ngày một giờ nữa, thành thử mới 12-13 tuổi đầu, trẻ đã phải học trên 10 giờ một ngày, nghĩ mà thương tâm! Người lớn chúng ta quả là quá lạm dụng quyền làm cha và làm thầy. Phải lập một hiến chương bênh vực học sinh nhỏ như các nước văn minh đã lập một hiến chương bênh vực trẻ em trong các gia đình thợ thuyền, cho khỏi bị bọn tư bản bóc lột. Bắt trẻ học tối tăm mặt mũi, bỏ những trò chơi say mê của chúng mà suốt ngày cúi đầu trên trang sách để ta được cái danh là dạy giỏi thì có khác chi là bóc lột chúng không? Lập thời dụng biểu rồi, ta phải coi chừng cho trẻ theo đúng nó để trẻ tập có qui củ, làm việc có phương pháp. Điều đó rất quan trọng trong sự giáo dục và trẻ nào có được tập quán tốt ấy, sau này chắc chắn thành công; vì trong đời hạng người thông minh thì nhan nhản mà hạng người biết làm việc thì rất hiếm. Không phải chỉ trong vài tháng mà trẻ vào khuôn vào nếp được đâu. Phải vài năm. Săn sóc trẻ kỹ lưỡng như vậy tốn công thật, nhưng ta sẽ được hưởng cái vui là thấy trẻ ngoan ngoãn, biết bổn phận, và nói được những lời như sau này mà tôi đã nghe lỏm giữa hai em nhỏ 13- 14 tuổi: - Hôm nay thầy cho tụi mình chơi, vui quá, S. nhỉ? Nhưng Đ. nghĩ, nghỉ một buổi học, Đ. thấy buồn buồn làm sao ấy. Dạy trẻ mà được như vậy thì có thể nói là gần thành công rồi vậy. CHƯƠNG IV: KIỂM SOÁT SỰ HỌC CỦA TRẺ 1. Kiểm soát kết quả cách nào? 2. Nếu kết quả không được như ý thì nên hành động ra sao? 3. Giá trị những điểm nhà trường cho-. 4. Thưởng và phạt-. 1 Bạn có thì giờ săn sóc kỹ lưỡng, coi lại mỗi bài làm, giảng thêm mỗi bài học cho trẻ thì tốt nhất, (chương sau tôi sẽ chỉ cách săn sóc ra sao); nếu không, ít nhất bạn cũng phải kiểm soát sự học của trẻ. Mỗi ngày bạn nên bỏ ra vài phút lật tập của trẻ xem có sạch sẽ không, bài học và bài làm được bao nhiêu điểm, thầy giáo có khen, chê, khuyên bảo, dặn dò gì không. Nên tập cho trẻ mỗi ngày, nhất định đến giờ nào đó, phải tự mang tập lại cho bạn coi, không đợi bạn nhắc. Bạn coi trong thời dụng biểu bạn đã lập xem giờ này, giờ nọ, trẻ có làm hoặc học bài ghi trong đó không. Khi trẻ đã lên ban Trung học thì dù nhà trường không bảo, bạn cũng bắt trẻ có một tập ghi đầu bài (cahier de textes). Tập đó xén làm sáu nấc, mỗi nấc cho mỗi ngày (trừ chủ nhật). Các nhà sách lớn có bán những tập in và xén sẵn. Mỗi ngày trẻ phải biên vào trong tập đó đầu bài học và đầu bài làm; trước khi đi ngủ, học xong, làm xong bài nào rồi, phải đánh dấu trên lề để bạn dễ kiểm soát. Nhà trường có lệ nửa tháng hoặc một tháng một lần, gởi về cho bạn một tờ (hoặc tập) ghi kết quả sự học của trẻ; mỗi ba tháng hoặc sáu tháng lại cho bạn biết những điểm thi trong lớp. Trong các lớp nhỏ, có khi ông giáo ghi ngay trong tập của trẻ kết quả trong mỗi tuần. Nếu quá kỳ hạn mà bạn chưa nhận được những giấy tờ đó của nhà trường thì bạn nên viết thư hoặc đích thân lại trường hỏi. Khi nhận được, bạn nên đọc kỹ, ký tên, rồi gởi trả lại trường. Bạn có những nhận xét gì về tính tình cùng sự học của trẻ ở nhà, cũng nên ghi lên giấy cho học đường hay. Nhiều trường giao cho trẻ mang những giấy tờ đó về nhà; có trẻ học dở, sợ bị rầy, không dám đưa cha mẹ coi, tự ký thay cha mẹ rồi trả lại trường mà gia đình và học đường đều không hay. Như vậy học đường có lỗi mà gia đình cũng có lỗi: học đường đã tiếc vài cắc bạc mua cò gởi thẳng cho phụ huynh học sinh; còn gia đình không nhận được giấy tờ của trường mà cũng làm thinh. Các trường Tiểu học một tỉnh nọ có sáng kiến dùng đồ biểu để ghi kết quả của học sinh cho dễ thấy. Đồ biểu ấy theo kiểu sau này (coi trang sau). Chỉ coi qua đồ biểu ấy, ta cũng thấy ngay là học sinh nào đó hai tháng đầu vào hạng khá, học đều đều rồi từ tuần lễ thứ chín xuống hạng, học thụt lùi rất nhiều... Sự xuống hạng đó tất có nguyên nhân mà ta phải tìm cho ra: trẻ có đau không? Có trải qua một thời kỳ phát dục không? Hoặc trong gia đình có chuyện buồn không? nhất e å 1 2 3 4 Tháng hoặc nửa tháng hoặc tuần lễ (Mỗi ô nhỏ là một tuần, mỗi ô lớn là một tháng) 2 Kiểm soát kết quả mà thấy trẻ học đều đều không môn gì kém thì ta có thể yên tâm. Nếu trẻ rất kém về vài môn thì ta phải tìm xem tại sao. Tại trẻ không có thiên tư? Hay là tại cách dạy ? Tại tính tình của ông giáo chuyên dạy những môn đó với tính tình của trẻ không hợp nhau? Vì tôi nhận thấy thầy trò có yêu nhau thì sự học mới tấn tới và có nhiều nhà giáo bất công hoặc nghiêm khắc quá, trẻ khó mà mến được. Gặp trường hợp cuối cùng đó, bạn đừng nên vội đổi trường hoặc đổi thầy cho trẻ. Ở đời có biết bao sự xảy ra ngoài ý muốn của ta; ta phải tập cho trẻ thích nghi với mọi hoàn cảnh và không được chỉ trích ông thầy, ta đừng nuông trẻ quá; nhưng cũng phải công bằng với chúng, hiểu tình cảnh của chúng mà đừng quá rầy la chúng. Tôi xin nhắc lại: chúng không hoàn toàn chịu hết trách nhiệm về kết quả của chúng đâu. Nếu trẻ thiếu thiên tư về một môn rất quan trọng (như Toán, Việt ngữ...) thì bạn nên giảng lại hoặc mướn người giảng lại môn đó cho trẻ hiểu thêm, rồi cứ kiên tâm chờ đợi vì như tôi đã nói trong chương trên, có những thiên tư phát triển chậm, mười sáu mười bảy tuổi mới xuất hiện. 3 Ta không nên quá chú ý đến những điểm ông thầy cho trẻ. Những điểm ấy chỉ có một giá trị rất tương đối, cho ta biết một cách hơi hơi đúng về kết quả của trẻ. Coi những điểm đó, ta khó thấy được sự gắng sức của trẻ. Một trò thông minh, học mười phút đã thuộc bài, được 15 điểm; một trò ký tính kém, cũng bài đó phải học hai giờ mới thuộc, mà cũng chỉ được 15 điểm. Như vậy có bất công không? Có nhiều trò thuộc bài nhưng vì quá e lệ, lên tới bảng là hồi hộp, líu lưỡi lại, ấp a ấp úng, thầy cho một điểm xấu. Trò đó có đáng trách không? Trẻ nhờ anh chị "gà" cho một bài toán, được 18 điểm. 18 điểm đó là vinh hay nhục? Huống hồ, chính ông giáo khi cho điểm, lại vội vàng thì còn làm sao mà công bằng được nữa? Mà không vội vàng sao được? Tại nhiều trường tư và công bây giờ, không thiếu gì những lớp 80 trò, 100 trò. Ông giáo mỗi ngày chỉ chấm hai bài thôi cũng phải đọc 160, 200 tập rồi, thì giờ đâu mà coi kỹ? Lại có những giáo sư dạy 7 lớp Việt ngữ hoặc 12 lớp Toán, mỗi lớp từ 5 đến 7 chục trò. Như vậy những điểm các ông ấy phê trên bài học sinh có giá trị ra sao, khỏi cần xét cũng biết. Sau cùng, mỗi giáo sư có một cách cho điểm: ông cho rộng quá, bài nào cũng từ 18 điểm trở lên; ông cho hẹp quá, trò nào được 11 điểm tức như trúng số độc đắc rồi; ông này chỉ xét đến nội dung, ông kia lại chỉ chú trọng đến hình thức cùng cách trình bày. Ngay đến số hạng của trẻ cũng không chỉ bảo ta được chắc chắn: trong một lớp trò nào cũmg dở thì đứng hạng nhất chưa phải là học giỏi; tuần này lỡ bị một bài không thuộc mà xuống hạng, thì chắc đâu đã phải là thụt lùi. Chúng ta phải xét kỹ những điều đó mới khỏi quá nghiêm khắc với trẻ hoặc quá ước vọng noi chúng. 4 Nếu ta biết săn sóc sự học của trẻ, hiểu tâm lý chúng, đừng trái với luật phát triển tự nhiên, thì ít khi ta phải rầy, phạt trẻ lắm. Và mỗi khi bạn thấy cần phải rầy, phạt chúng, thì xin bạn hãy đọc lại bức thư này trong cuốn "Đắc nhân tâm: bí quyết để thành công". Bức thư ấy là lời một người cha thú tội với con, cảm động đến nỗi đọc lại mười lần rồi, lần nào tôi cũng rưng rưng nước mắt. "Con ơi!... Con ngủ, má đỏ kề trên tay, tóc mây dính trên trán. Cha mới lén vào phòng con... Cha muốn thú tội với con: lúc nãy, trong khi cha đọc báo trên phòng sách, đợt sóng hối hận xâm chiếm tâm hồn cha. Cha đã hơi nghiêm khắc với con hôm nay. Sáng ngày, trong khi con sửa soạn sách vở đi học, cha đã rầy con vì con chỉ quệt chiếc khăn ướt lên đầu mũi con thôi, cha đã mắng con vì giày con không đánh bóng, cha đã la con khi con liệng đồ chơi xuống đất. Trong lúc điểm tâm, cha lại khiển trách con nữa: con đánh đổ sữa, con nuốt vội mà không nhai, con tì khuỷu tay lên bàn, con phết nhiều bơ lên bánh quá... Khi ra đi, con quay lại chào cha: "Thưa cha, con đi" và cha đã cau mày: "Ngay người lên!". Buổi tối, vẫn điệu đó. Ở sở về, cha rình con ở ngoài đường. Con chơi bi, đầu gối quỳ trong đống cát, vớ rách, hở cả thịt. Cha đã làm nhục con trước mặt bạn bè vì bắt con đi trước mặt cha cho tới nhà... Vớ đắt tiền, nếu mày có phải bỏ tiền ra mua, mày mới tiếc của và biết giữ gìn". (Con thử tưởng tượng, có ai, cha mà mắng con như vậy không?). Rồi con nhớ không? Tối đến, trong khi cha đọc sách, con rón rén vào phòng giấy cha, vẻ đau khổ lắm. Cha ngửng lên, giọng bất bình, hỏi "Cái gì?" Con không trả lời, nhưng trong một lúc xúc động không chống lại được, con chạy lại cha, bá cổ cha, ôm cha với tình sùng bái cảm động mà Trời Phật đã làm nảy nở trong lòng con, mà sự lạnh lùng của cha không làm cho héo được... Rồi thì con chạy lên cầu thang. Này con, chính lúc đó, cuốn sách ở tay cha rớt xuống, và một nỗi sợ ghê gớm xâm chiếm cha. Cái thói hay chỉ trích, trách mắng đã làm cha thành như vậy đó: thành một người cha gắt gỏng. Cha đã phạt con vì con còn con nít mà cha bắt con làm như người lớn. Không phải cha không thương con đâu nhưng cha đã đòi hỏi ở tuổi thơ của con quá nhiều, cha đã xét con theo tuổi nhiều kinh nghiệm của cha. Mà tâm hồn con đại lượng, cao thượng, trung thực biết bao! Trái tim nhỏ của con mênh mông như bình minh ló sau rặng đồi. Chỉ một sự hăm hở tự nhiên lại hôn cha trước khi đi ngủ, chứng minh điều ấy. Thôi, cha con mình quên hết những chuyện khác đi... Tối nay cha hối hận lắm, lại nép bên giường con. Cha biết nếu con có nghe được những lời cha thú với con đây thì con cũng chẳng hiểu chi hết. Nhưng, ngày mai, con sẽ thấy cha thật là một người cha; cha sẽ là bạn của con, con cười cha sẽ cười, con khóc cha sẽ khóc. Và nếu cha có muốn rầy con thì cha sẽ mím chặt môi, và sẽ lặp đi lặp lại như trong Kinh: - Con chỉ là một đứa nhỏ... một đứa nhỏ! Cha có lỗi. Cha đã coi con như người lớn. Bây giờ nhìn con nằm trong giường nhỏ của con, mỏi mệt, trơ trọi cha biết rõ rằng con chỉ là một em bé. Mới hôm qua, con còn nằm trong tay mẹ con, ngả đầu trên vai mẹ con... Cha đã đòi hỏi con nhiều quá... nhiều quá lắm..." Vậy bạn nên rất thận trọng khi phạt trẻ; nhưng có nên thưởng nhiều không? Theo tôi, nên thường khen trẻ, còn thưởng thì không cần thiết lắm. Phạt cũng như một thứ thuốc trị bệnh, thưởng cũng như một thứ thuốc bổ; nếu cơ thể bình thường mà dùng thì chỉ thêm hại. Trẻ được nuôi và dạy đúng nhu cầu tự nhiên của chúng thì thấy sung sướng, vui vẻ học hành, không cần ta kích thích bằng phần thưởng. Ta cứ xét ngay ta thì biết: hồi nhỏ, lúc siêng học ta có nghĩ đến phần thưởng cuối năm không? Không. Chúng ta chỉ nghĩ đến cái vui thắng bạn và được thầy khen. Khi cha mẹ hứa với ta nếu thi đậu thì sẽ thưởng cho ta cái máy chụp hình chẳng hạn, ta có gắng sức không? Có. Nhưng chỉ gắng được một vài ngày rồi quên ngay. Nếu cố gắng nữa thì vì một nguyên nhân gì khác, chứ tuyệt nhiên không phải vì cái máy chụp hình. Vậy chúng ta không cần thưởng trẻ. Nếu có muốn thưởng thì đừng bao giờ thưởng tiền. Người lớn chúng ta quá sùng bái kim tiền rồi tưởng trẻ cũng ham những cái đỉnh, con voi như chúng ta. Thực là lầm lẫn! Hễ trẻ có đủ nhu cầu rồi, thì chúng coi giấy bạc như giấy báo cũ vậy. Chỉ những trẻ cha mẹ không biết cách dạy mới thích tiền. Nên lựa đồ chơi nào trẻ thích mà thưởng. Không phải chỉ những đồ chơi đắt tiền mới làm chúng vui. Chúng có thể ham một con gà nặn bằng đất giá 0,50 đồng hơn một con búp bê giá 200 đồng. Trẻ đánh giá sự vật khác chúng ta xa và chưa chắc chúng đã hoàn toàn dại dột đâu. CHƯƠNG V: DẠY TRẺ VÀ GIẢNG LẠI BÀI CHO TRẺ 1. Chúng ta là cha, anh và không có cái gì liên quan tới con em, mà chúng ta không biết. 2. Những lỗi nên tránh. 3. Hai phương pháp dạy. 4. Hai cách dạy. 5. Dạy trẻ tập đọc. 6. Dạy trẻ tập viết. 7. Dạy Việt ngữ và ngoại ngữ. 8. Dạy Ám độc. 9. Dạy Sử ký. 10. Dạy Địa lý. 11. Dạy Cách trí. [10] 1 Như tôi đã nói, ở nhà dạy thêm cho trẻ thì trẻ mau tấn tới lắm, nhưng phải biết cách dạy, nếu không, hại nhiều hơn lợi. Trong chương này, tôi sẽ chỉ ít qui tắc căn bản nên nhớ và những cách giảng bài học, bài làm về mọi môn. Tất nhiên là tôi sẽ vắn tắt, chỉ kể những điều quan trọng vì tồi không có ý viết một cuốn sư phạm mà chắc các bạn cũng không muốn tập cái nghề gõ đầu trẻ. Chẳng qua, muốn làm tròn bổn phận làm cha, làm anh thì ta phải biết sơ lược phương pháp dạy trẻ. 2 • Trước hết, xin bạn nhớ rằng nếu trẻ đã đi học thì ở nhà ta chỉ giảng lại bài cho trẻ thôi, nghĩa là ở lớp, trẻ phải chăm chú nghe lời giảng của thầy rồi có chỗ nào chưa hiểu rõ, mới giảng thêm. • Những môn nào trẻ đủ sức theo nổi thì không cần giảng lại; đừng cho chúng ỷ lại vào ta, phải để chúng gắng sức tìm hiểu lấy. • Về bài làm, bạn chỉ nên gợi ý cho trẻ để trẻ tự tìm hiểu; đừng bao giờ "gà" cho chúng. - Đừng bao giờ hỏi trẻ: "Con hiểu bài này không?". Chúng sẽ luôn luôn đáp rằng hiểu, hoặc vì sợ ta rầy, hoặc vì tưởng là hiểu mà kỳ thực không hiểu. Phải hỏi chúng về đại ý trong bài, về những chữ khó. Riêng về Toán, Vật lý, Hóa, lặp lại được ý trong bài chưa chắc đã là hiểu, còn phải biết áp dụng những điều đã học nữa. • Luôn luôn tự đặt ta vào cái tuổi của trẻ, đừng giảng những điều quá cao. Khi chúng ta không phải là nhà mô phạm thì chúng ta thường mắc tật ấy lắm. Giảng một bài về vua Quang Trung cho trẻ lớp nhì, ta có thể cao hứng nói một thôi một hồi về sự giao thiệp của Nguyễn Huệ với La Sơn phu tử mà ta mới đọc được trong một cuốn của Hoàng Xuân Hãn; hoặc dạy về đường xe ở Nam Việt cho học sinh lớp nhất, ta có thể hăng hái khen công việc làm đường, xây cầu của dân La Mã hồi xưa... 3 Có hai phương pháp dạy: - Theo phương pháp qui nạp: ta phải đi từ những sự thực riêng biệt tới một luật chung; như dạy văn phạm thì đưa ra điều thí dụ, rồi từ những thí dụ đó mà kiếm ra một qui tắc. - Theo phương pháp diễn dịch thì ngược lại ta đi từ một luật chung đến những sự thực riêng biệt, như về môn Hình học ta học cách chứng minh một định lý nào rồi áp dụng định lý ấy để làm các bài toán. Phương pháp trên hợp với trẻ ở ban Tiểu học hơn phương pháp dưới chỉ nên dùng cho những trò lớn ở ban Trung học. 4 Có nhiều cách dạy mà hai cách chính là thuyết minh và hỏi. Chắp tay sau lưng đi đi lại lại trong lớp, giảng cho học sinh về một vấn đề nào đó, thao thao bất tuyệt theo một bố cục đã định trước, như vậy là thuyết minh. Cách ấy chỉ có kết quả khi học sinh biết ghi chép đại ý, nên chỉ dùng trong ban Đại học. Còn cách sau là cách đặt những câu hỏi để học sinh suy nghĩ, tự tìm ra chân lý. Cách này tốn công, nhưng có nhiều lợi: - làm cho lớp học vui. - cho học sinh tập nói, tập suy nghĩ. - do đó, học sinh dễ nhớ và nhớ lâu. Muốn có kết quả, ông thầy phải nghĩ trước sao cho câu hỏi được rõ ràng, rành mạch, theo một thứ tự hữu lý, hợp với trình độ học sinh và nhất là phải đủ thì giờ cho học sinh suy nghĩ, đừng hỏi xong rồi tự mình đáp liền. Cuối bài, nên tóm tắt những điểm chính để học sinh thấy sự liên lạc giữa các ý. Tuy nhiên, có những môn như Sử ký, Địa lý, không thể luôn luôn áp dụng cách hỏi được. Chẳng hạn, trẻ chưa học về xứ Ấn Độ thì dù hỏi cả chục lần, cho suy nghĩ hàng giờ, trẻ cũng không sao kiếm được tên những sông, núi xứ đó. Vậy bạn nên tùy trường hợp mà áp dụng hai cách đó và nên nhớ rằng phương pháp tự nó không có giá trị, chính nhờ sự thông minh, quyền biến của ta mới làm cho nó có giá trị. Tôi nhớ một giáo sư Việt ngữ nọ khoe với tôi là nói luôn miệng trong lớp, nói tới lở miệng (hồi xưa, Bạch Cư Dị học tới lở miệng, thời nay có người dạy tới lở miệng!). Ông ăn nói rất hoạt bát, học sinh nghe ông giảng bài tất thú lắm, nhưng tấn tới thì tôi chắc là không sao tấn tới được vì thầy suy nghĩ giùm cho học trò rồi, trò có phải vận dụng óc nữa đâu. Cách đây non ba chục năm, một giáo sư khác dạy chúng tôi thi vào trường Trung học Bảo hộ, nhân một bài thơ của Leconte de Lisle mà bỏ ra một giờ rưỡi và đốt hết chín, mười điếu thuốc thơm để giảng cho chúng tôi về danh từ art (nghệ thuật). Tôi không còn nhớ ông nói những gì, nhớ làm sao nổi? - chỉ nhớ già nửa lớp thiu thiu ngủ trong khi lời ông cuồn cuộn tuôn ra như nước sông Hồng Hà trong mùa lụt vậy. Dạy học không phải là diễn thuyết, xin bạn nhớ kỹ điều ấy. 5 Trong cuốn "Thế hệ ngày mai" tôi đã chỉ một phương pháp mới mẻ và vui để dạy trẻ tập đọc, tức phương pháp tổng quát của Decroly [11] . Phương pháp ấy đã có thời bành trướng ở Âu Mỹ và nhiều nhà giáo đã dung hòa hai lối dạy cũ và mới: dùng phương pháp tổng quát trong những bài đầu tiên dạy trẻ đọc rồi sau dùng phương pháp phân tích, cho trẻ đảnh vần. Ở Nam Việt, nữ sĩ Hợp Phố đã thử dùng cách dung hòa ấy. Nhưng tới nay bà vẫn chưa rút kinh nghiệm rồi công bố trên báo chí cho đồng bào biết. Tôi ngờ rằng cách đó không có lợi gì lắm. • Ta nên tập cho trẻ phát âm đúng giọng, nghĩa là phân biệt s, x, ch, tr, at, ac, an, ang... để trẻ dễ nhớ chính tả. Vẫn còn một số nhà giáo cho uốn lưỡi khi đọc chữ s, chữ r là "theo Nam", hoặc phân biệt v với d là "theo Bắc", là lập dị, lố bịch... nhưng chẳng bao lâu nữa, họ sẽ phải tự nhận rằng tinh thần địa phương ấy rất hẹp hòi. • Ta nên tập cho trẻ biết đọc một cách thông minh, nhấn vào những chữ cần nhấn, biết ngừng hợp chỗ, chỗ đọc mau, chỗ đọc chậm, chỗ lên giọng, chỗ xuống giọng, chỗ nên vui, chỗ nên buồn... Nếu đọc sai thì đợi trẻ đọc hết câu rồi hãy đọc lại cho trẻ bắt chước; đừng bao giờ ngắt lời trẻ ở giữa câu. • Điều cần nhất là phải cho trẻ đọc nhiều để khi lên lớp nhì, trẻ đọc được nhanh rồi và thấy thích đọc sách; có vậy, học hết ban Tiểu học, dù không được tiếp tục học nữa và có quên hết những điều đã dạy ở trường thì công của ông thầy cũng không đến nỗi thành công dã tràng; trẻ đã thích đọc sách, tất sẽ tìm cách để đọc và óc chúng sẽ nhờ đó, lần lần mở mang thêm. • Công việc giảng văn nên để cho nhà trường, nhưng một đôi khi gặp một bài hay, bạn cao hứng muốn giảng cho trẻ thì nên theo cách sau này: - cho trẻ đọc chầm chậm một hai lần, nếu trẻ hiểu đại ý bài thì bài đó là vừa sức trẻ; - tìm những chữ khó trong bài mà hỏi nghĩa, nếu trẻ không hiểu thì giảng nghĩa; nghĩa gốc và nghĩa trong bài; - khi trẻ đã hiểu trọn bài rồi, bạn hỏi trẻ: tác giả viết bài đó để làm gì? Ông có đạt mục đích đó không? Ông đã lý luận ra sao? Dùng phép hành văn nào? - sau cùng, bảo trẻ tóm tắt đại ý và cho biết cảm tưởng khi đọc bài đó ra sao. Nhiều nhà giáo biến một bài giảng văn thành một bài ngữ pháp (nghĩa là từ đầu giờ đến cuối giờ chỉ bảo trò phân tích, hết tự loại đến mệnh đề), hoặc một bài dụng ngữ (nghĩa là chú trọng vào sự giải nghĩa các tiếng khó rồi bảo làm câu bằng những tiếng ấy). Như vậy là sai phương pháp: bài giảng văn trước hết phải có mục đích dạy trẻ hiểu cái đẹp của văn đã; dù có giảng ngữ pháp hay dụng ngữ thì cũng chỉ là để giúp trẻ hiểu rõ ý nghĩa cùng cách hành văn trong bài thôi. • Bạn hỏi tôi nên lựa sách nào cho trẻ đọc? Thưa bạn, sách Pháp thì vô số mà sách Việt thì rất hiếm. Lựa sách cho trẻ dưới mười tuổi thì từ trước tới nay tôi vẫn chỉ thấy loại sách hồng của Tự lực văn đoàn là hơn cả. Gần đây vài nhà cho xuất bản những truyện cổ tích hoặc những truyện lạ có vẽ hình, song phần nhiều chính tả sai, văn lại kém, chỉ có thể gọi là dùng tạm được thôi. Còn sách cho thiếu niên như loại Bibliothèque verte, Bibliothèque rose... của Pháp thì bên mình thiếu hẳn; mà loại kiếm hiệp thì nhan nhản. Tại sao vậy? Tại thiếu niên không ham đọc sách bổ ích hay tại nhà văn nước mình không có tài viết? 6 Dạy trẻ tập viết thì mới đầu nên cho trẻ tô những chữ ta đã viết trên bảng đá, rồi sau mới viết trên giấy. Nên dạy theo thứ tự sau này: 1. i u t 2. n m r v p 3. coadđqex 4. y g 5. 1 h k b 6. s z Phải tập cho trẻ ngồi ngay ngắn và cầm bút cho hợp phép. Hồi xưa các cụ trọng sự tập viết lắm và công phu tập viết của các cụ cũng gần bằng công phu luyện văn. Bây giờ môn tập viết là một môn phụ, không mấy nhà giáo để ý tới. Đó là một sự thiếu sót trong nền giáo dục hiện hành. 7 Ta nên nhớ rằng ngữ pháp không phải là một mục đích mà chỉ là một phương tiện. Trẻ học môn đó để biết viết đúng, biết tự sửa câu văn, chứ không phải để thuộc tên các tự loại và các mệnh đề. Về ngữ pháp Việt Nam, mỗi nhà chủ trương một khác và những sách ngữ pháp dạy trong các trường sẽ phải sửa đổi nhiều cho họp lý. Vậy ta đừng bắt trẻ chú trọng đến môn đó quá. Không nên dùng phương pháp diễn dịch trong khi dạy ngữ pháp: phải đưa ra nhiều thí dụ rồi mới vạch qui tắc sau. Để trẻ tự tìm hiểu lấy qui tắc thì trẻ học vui hơn và nhớ lâu hơn. • Về môn dụng ngữ, tại các lớp dưới (dự bị, sơ đẳng) chỉ nên dạy những tiếng cụ thể như tên những loài vật cùng đồ dùng mà trẻ trông thấy hoặc ở ngoài, hoặc ở trong hình. Đợi trẻ lên các lớp trên, hãy dạy những tiếng trừu tượng. Khi dạy tiếng mới, nên dạy luôn những tiếng có liên lạc xa gần với tiếng ấy, chẳng hạn dạy tiếng Nam là phương Nam thì dạy cả: - những tiếng chỉ các phương khác: Bắc, Đông, Tây. - những tiếng cùng dòng với tiếng Nam, như nôm, nồm; - những tiếng đồng âm: nam (con trai)... Phải hiểu cách dùng mỗi tiếng rồi mới có thể nói là biết rõ tiếng đó. Vậy luôn luôn bảo trẻ làm một vài câu với tiếng (nhất là động từ, trạng từ) mới học. • Học sinh nào cũng ghét môn chính tả. Điều ấy rất dễ hiểu: học môn đó chán lắm, nhất là chính tả Pháp. Nếu trẻ tập phát âm đúng giọng từ hồi nhỏ thì khỏi phải học chính tả, cứ phát âm làm sao, viết làm vậy, như trường hợp các bạn ở Nam Việt viết những tiếng có s, x, ch, tr... trường hợp ở Bắc Việt về các tiếng có dấu hỏi, dấu ngã, có c hoặc t ở đằng sau... Chính tả Việt so với chính tả Pháp dễ học hơn nhiều: ta không có phần chính ngữ pháp mà chỉ có phần chính tả tự dạng. Trước sau học độ 1.000 tiếng là đủ dùng rồi vì có nhiều tiếng không cần phải học chính tả. Về các dấu hỏi và ngã, học chừng hai, ba trăm tiếng có dấu ngã là mười lần bỏ dấu trúng được tám, chín rồi. Biết nguồn gốc của mỗi tiếng thì dễ nhớ chính tả của nó. Một lần, lại Sở bưu điện Long Xuyên, tôi thấy hai thầy ký cãi nhau về chữ "vuông" (là bốn góc bằng nhau); thầy bảo có g, thầy bảo không. Hai thầy hỏi tôi, tôi đáp: - Vuông do tiếng Hán phương mà ra, phương có g, thì vuông cũng có g. Từ đó hai thầy ấy không bao giờ quên chính tả chữ vuông nữa. • Đừng bắt trẻ viết một tiếng mà chúng chưa biết chính tả, vì nếu chúng viết sai, hình ảnh sai đó sẽ in sâu trong óc chúng, sau này sửa lại rất khó. Cho nên khi dạy chính tả, phải viết những tiếng trẻ chưa biết cho trẻ thấy (dùng mắt), đọc lớn tiếng cho trẻ nghe (dùng tai), bảo trẻ đọc lại đúng giọng (dùng miệng), và chép lại cẩn thận (dùng tay); như vậy nhiều lần, trẻ sẽ nhớ. Rồi vài hôm sau mới đọc một bài ám tả có những tiếng mới học đó để kiểm soát xem trẻ có nhớ không. Nên bảo trẻ chép những tiếng mới học vào một sổ tay rồi thỉnh thoảng lật ra coi lại. Trẻ chép xong thì bạn phải xem lại ngay và sửa lỗi, nếu không, trẻ sẽ ghi sâu vào óc hình ảnh những lỗi đó và viết sai hoài. Tôi có cần dặn bạn chỉ lựa những sách viết trúng chính tả cho trẻ đọc không? Biết bao lần tôi bực mình về những lỗi chính tả trên sách, báo. Tôi vẫn biết sử dụng viết với s, mà đọc báo thấy nhan nhản những chữ xử dụng, riết rồi quen mắt đến nỗi có lần viết chữ đó, tôi vô tình hạ bút cũng viết xử. Từ đó, mỗi khi viết chữ sử dụng, tôi phải ngừng lại nhẩm: sử là sai khiến, sai viết s thì sử cũng s. Sách, báo in sai chính tả có hại cho người lớn chúng ta như vậy thì đối với trẻ còn hại gấp mấy nữa. • Những qui tắc trên có thể áp dụng được khi dạy ngoại ngữ, như tiếng Pháp, tiếng Anh... Tuy nhiên, mỗi ngôn ngữ có nhiều đặc điểm thì cách dạy cũng có chỗ khác; chẳng hạn học tiếng Pháp phải chú trọng nhất đến động từ, đại từ là những phần khó học; học tiếng Anh thì cách phát âm quan hệ nhất, khó hơn ngữ pháp nhiều. Tôi không thể kể hết những đặc điểm đó ra đây, chỉ xin nhắc bạn: - tập cho trẻ so sánh ngữ pháp của các ngôn ngữ cho dễ nhớ, - khi dạy một động từ thì luôn luôn cho trẻ học cả một câu có động từ ấy, - bắt trẻ nói nhiều và viết nhiều, chứ chỉ chuyên học ngữ pháp và dụng ngữ, không ích gì mấy. 8 Trước khi cho trẻ học một bài Ám độc, phải biết chắc rằng trẻ đã hiểu kỹ và biết đọc có giọng đàng hoàng. Cho trẻ học câu đầu, thuộc rồi mới qua câu thứ nhì... Nếu bài dài hoặc khó học thì trẻ học làm nhiều lần, mỗi lần mười lăm phút thôi. Trẻ học trước khi đi ngủ, sáng dậy đọc lại vài lần, sẽ mau thuộc và nhớ lâu hơn là học vào những lúc khác. 9 Có hai cách dạy Sử ký: - Một là cách thuyết minh mà tôi đã nói qua ở trên; - Hai là cho trẻ học trong sách rồi giảng thêm và phê bình. Cách sau phù hợp với học sinh ban Tiểu học hơn. Dù theo cách nào thì sau khi giảng hết bài rồi cũng nên hỏi trẻ ít câu xem trẻ có hiểu, nhớ được gì không, rồi bảo trẻ tóm tắt lại bài. Bạn nên: - chỉ những chỗ quan trọng cho trẻ nhớ; - giảng những liên quan nhân quả giữa các sự kiện lịch sử; - chú trọng đến tình cảnh, đời sống của dân gian của nền văn hóa trong mỗi thời hơn là những hành vi riêng tư của các vua chúa; - tập cho trẻ rút những bài học ái quốc, hi sinh, tương thân tương trợ. - xét một cách công bình hành vi của cổ nhân. Đừng bắt trẻ nhớ nhiều niên hiệu quá. Lựa những niên hiệu quan trọng, bảo trẻ ghi vào sổ tay, và giúp trẻ tìm những thuật ký ức cho dễ nhớ. Chẳng hạn vua Gia Long lên ngôi năm 1802 và băng hà năm 1820, hai niên hiệu đó khác nhau ở chỗ nào? Nguyễn Huệ thắng Tôn Sĩ Nghị năm 1789, năm có cuộc đại cách mạng Pháp; 7,8,9, ba síp đó liền nhau, dễ nhớ lắm. 10 Ai mà thích được môn Địa lý dạy theo lối bây giờ? Phải nhớ hàng trăm, hàng ngàn tên rắc rối, khó đọc, khó viết. Cho nên hồi nhỏ, môn đó đối với tôi là một cái nợ phải trả nhà trường. Chẳng riêng gì tôi, hết thảy các bạn của tôi đều như vậy. Nhớ lại nỗi khổ của ta hồi xưa thì cũng nên tránh nỗi khổ cho trẻ bây giờ. Có những điều mà người lớn chúng ta cũng có quyền không biết thì tại sao lại bắt trẻ nhớ cho kỳ được? Chẳng hạn sông rạch ở Nga, chỉ nhớ vài tên là đủ, còn những tên khác, coi qua cho biết, học thuộc mà làm gì? Hồi học lớp nhất, một anh bạn thuộc lòng tên 89 hành tỉnh ở Pháp với tên quận quan trọng nhất trong mỗi tỉnh. Thầy chúng tôi khen anh lắm, có vẻ khuyến khích anh và khuyên chúng tôi noi gương anh nữa. Tôi rất phục anh nhưng không chịu bắt chước; ngay từ hồi đó tôi đã nghĩ, học như vậy chỉ phí sức. Dạy Địa lý, cần nhất phải tập cho trẻ: - nhận xét đất đai, sông núi, dân cư, kinh tế, phong tục miền trẻ ở hoặc đi qua; - so sánh miền này với miền khác; - nhận xét ảnh hưởng của đất cát và thời tiết đến nền kinh tế và đời sống của con người ra sao; - biết đọc một bản đồ, vẽ phác bản đồ một miền nhỏ. - biết dùng thống kế biểu - statisque [12] Học như vậy vừa bổ ích vừa không thấy chán. Và nếu nhà trường bắt trẻ nhớ nhiều tên sông núi, châu thành... ngoại quốc mà trẻ nhớ không nối thì bạn cũng nên khoan hồng với chúng. 11 Môn cách trí phải có mục đích tập cho trẻ nhận xét, ghi chép, suy nghĩ, so sánh, phán đoán, tìm những luật thiên nhiên rồi áp dụng vào đời sống, chứ không phải là bắt trẻ học thuộc lòng và vẽ những hình bươm bướm, chuồn chuồn, tô màu thật đẹp, đánh bóng thật nổi... Vậy, trẻ học về con mèo thì bạn nên chỉ cho trẻ thấy mắt của nó trong chỗ tối và ở chỗ sáng khác nhau ra sao; nó ở trên cây leo xuống hay tụt xuống, tại sao? [13] Và khi trẻ phải học về những con đại bàng, con tê thì ít nhất bạn cũng nên mở tự điển "Larousse", tra những tên aigle và hippopotame, chỉ hình những con vật đó cho trẻ thấy. Rồi trẻ nhớ được thì nhớ, không thì thôi. Bạn bảo: "không nhớ thì làm sao đi thi được?" - Thưa bạn, tôi đã nghĩ đến điều ấy và trong một chương sau, tôi sẽ chỉ cách nhồi sọ trẻ trước kỳ thi, mặc dầu tôi thầm oán lối nhồi sọ. Nhưng tôi tưởng giám khảo nào có hỏi những trẻ mười một, mười hai tuổi về các loài vật kỳ dị đó thì cũng là tinh nghịch mà hỏi chơi, chứ không nỡ nào đánh hỏng trẻ. CHƯƠNG VI: HAI MÔN QUAN TRỌNG NHẤT: TÁC VĂN VÀ TOÁN PHÁP 1. Dạy Tác văn 2. Dạy Toán 1 Sáu học sinh từ mười lăm đến mười tám tuổi học lớp đệ ngũ, một hôm lại hỏi: - Thưa thầy, tuần sau chúng con thi lục cá nguyệt về Tác văn. Giáo sư cho chúng con biết trước đầu đề sẽ là một bức thư. Xin thầy chỉ cho chúng con cách viết thư ra sao. Thực là một câu hỏi bất ngờ. Tôi hỏi lại các em ấy: - Từ trước tới giờ, các em chưa được học cách viết thư sao? Các em làm thinh. Làm sao mà "chưa" được? Ở lớp nhất thầy giáo đã dạy cách viết thư rồi. Thế thì tại sao các em vẫn không biết viết thư? Tôi hỏi tiếp: - Các em có viết thư cho cha mẹ, họ hàng, bạn bè lần nào không? Em S. Chẳng hạn, em ở Long Xuyên lên đây, mỗi tháng chắc có viết thư về nhà chứ? - Dạ, có. - Thế thì tại sao em còn phải hỏi cách viết thư? - Thưa thầy, con tưởng có khác, vì đầu bài sẽ ra chắc không nói về việc thăm nhà. - A, vậy hễ việc khác thì lối viết cũng khác sao? Trong đời có hàng triệu việc khác nhau, cứ mỗi việc lại phải học một lối kể, một lối viết ư? Có sống lâu như cụ Bàn Tổ, học cũng không sao hết được. Ta chỉ cần biết nguyên tắc thôi chứ? Mà tại sao các em ấy không biết nguyên tắc? Tại lối dạy Tác văn ở nhà trường. Không có môn nào dạy đã khó mà lại ít kết quả bằng môn Tác văn. Nhà mô phạm và triết gia Jules Payot đã phàn nàn như vậy từ đầu thế kỷ. Viết là ghi cảm tưởng của mình lên giấy. Không biết nhìn, không biết nghe, không biết suy nghĩ thì làm sao viết được? Mà học đường, hồi trước và hồi này cũng vậy, không dạy trẻ nhận xét lấy, suy nghĩ lấy, chỉ bắt trẻ nhớ và nhớ; học Địa lý, Sử ký phải nhớ, học Toán cũng phải nhớ, học Luân lý cũng phải nhớ, rồi học đến môn Tác văn, đến cách nghị luận, cũng vẫn lại phải nhớ nữa, chỉ những nhớ là nhớ! Tôi không nói ngoa đâu, thưa bạn. Từ lớp nhì, khi ra đầu đề Tác văn, ông giáo chỉ ngay cách làm, lại đặt sẵn câu cho, học sinh chỉ việc nhớ rồi về nhà chép lại. Có khi chẳng cần nhớ nữa, cứ chép ngay "bài làm miệng của thầy" rồi về nhà chép lại cho sạch sẽ để nộp trả thầy. Bạn bảo: - Con nít chưa biết gì, thì phải chỉ cho nó chứ? - Như vậy không phải là chỉ, là làm sẵn cho trẻ. Đáng buồn nhất là tại các lớp thi tú tài, người ta cũng dùng cách dạy ấy. Học sinh có thì giờ đọc kỹ những tác phẩm chính của Voltaire, J.J. Rousseau, V. Hugo không? Trong có mười tám tháng (hai năm học), phải học bốn, năm chục tác giả, nếu trung bình mỗi tác giả chỉ đọc bốn cuốn thôi thì trước sau cũng tới 150-200 cuốn rồi. Thì giờ đâu? Vì còn phải học cả chục môn khác nữa chứ! Thành thử học sinh chỉ có cách học những cuốn văn học sử, cùng những đoạn tóm tắt ít chục tác phẩm chính, rồi khi làm bài, nhớ đâu chép lại đó. Môn bình luận văn chương để luyện óc suy xét đã biến thành một môn luyện ký tính. Trong các ban đại học, sinh viên cũng chỉ tập nhớ. Một nhà doanh nghiệp Anh phàn nàn rằng các kỹ sư trẻ tuổi lại giúp việc ông, ngạc nhiên lắm khi ông bảo họ suy nghĩ, quyết định lấy. Họ có tập suy nghĩ bao giờ mà chẳng ngạc nhiên. Ở nước Anh, nền giáo dục có tiếng là thực tế mà còn vậy nói chi tới nước Pháp và nước mình! Tôi xin lỗi bạn, phải kể lể dài dòng như vậy để bạn thấy cái hại của sự nhồi sọ và hiểu rõ tại sao thầy tận tâm tới mấy, trò gắng sức tới mấy, mà học mười, mười hai năm trời, trò vẫn không biết làm một bài luận; bảy, tám năm vẫn không biết viết một bức thư. Muốn cho trẻ tập suy nghĩ, có lẽ ta phải theo phưong pháp của Frelnet. Ông là một nhà cách mạng trong giáo dục, sau đại chiến thứ nhất, cùng với vợ và các bạn thân đề xướng ở Pháp một lối dạy rất mới. Ông nhất thiết không dùng sách giáo khoa, muốn dạy trẻ về một vật gì thì cho chúng coi vật đó, hướng dẫn chúng nhận xét, rồi để chúng tự ý ghi nhận xét vào tập. Về lớp, trẻ viết thành bài, đọc lên cho bạn nghe và phê bình. Ông chỉ huy cuộc phê bình ấy, giúp trẻ lựa một bài đầy đủ nhất, sửa cho những lỗi viết văn, rồi trẻ dùng ngay bài đó làm bài học. Chúng tự sắp chữ, in bài, vẽ hình, cuối năm đóng lại thành sách. Dạy về một cái gì mà ông không thể cho coi tận mắt được thì ông thu thập đủ tài liệu rồi "soạn bài". Tóm lại, ông không đem những điều hiểu biết của người lớn nhồi vào sọ trẻ, mà hướng dẫn chúng tự tìm lấy chân lý trong vũ trụ. Phương pháp ấy còn đương thí nghiệm. Có lẽ chỉ như vậy mới diệt được cái lối nhồi sọ bây giờ. Theo cách của Freinet, ta phải ra một đầu đề Tác văn nửa tháng hoặc một tháng trước để trẻ có thì giờ nhận xét và kiếm tài liệu. Trong những dịp nghỉ, bạn có ra thêm bài Tác văn cho trẻ thì nên thí nghiệm lối ấy, còn khi giảng đầu đề Tác văn nhà trường ra thì tôi tưởng bạn nên bảo trẻ như vầy: - Trước khi làm bài, con nên lại tận chỗ [14] để coi (nếu phải tả một bến xe, một cái chợ chẳng hạn), hoặc đọc những bài này (nếu phải làm một bài nghị luận) rồi suy nghĩ kỹ, tìm một bố cục cho ba coi. Nếu ông giáo đã giảng cho con rồi thì con có thể mượn ý của ông mà không nhất định phải theo. Trẻ làm xong bố cục, bạn phê bình bố cục đó, để trẻ tự sửa lấy rồi viết bài. 2 Thời này, môn Toán là môn quan trọng nhất trong chương trình Tiểu học và Trung học. (Hễ giỏi Toán và đừng quá tệ về Việt văn, Pháp văn thì thi tú tài chắc chắn đậu). Đó cũng là một tín ngưỡng của thế kỷ, cũng như hồi còn ăn lông ở lỗ, tổ tiên chúng ta cũng sùng bái các ngẫu tượng vậy. Toán là một môn dễ học, dễ hiểu là nhớ; vậy mà một số đông học sinh sợ nó, tới giờ Toán là xanh mặt, coi giáo sư Toán như ông kẹ, là tại sao? Theo tôi, có bốn nguyên nhân: - Chương trình không sát với thực tế. Chẳng hạn người ta dạy phép tính hợp kim (alliage) và lợi nhuận (rente) cho các em mười một, mười hai tuổi thì làm sao các em thích được? - Chương trình không hợp với sự phát triển tự nhiên của trẻ. quan niệm về tỉ trọng (densité), trẻ thông minh trung bình thì 12-13 tuổi mới hiểu nổi mà người ta đem dạy cho các em 10-11 tuổi, thành thử dù các em có làm được Toán thì cũng chỉ vài tháng là quên hết và sau phải học lại. - Cách dạy chưa được hoàn hảo. Người ta bắt trẻ nhớ nhiều quá, không tập cho trẻ lý luận (coi "Thế hệ ngày mai"). - Người dạy thiếu kinh nghiệm. Dạy Toán cho trẻ 5-6 tuổi là việc khó nhất của nhà giáo. Vậy mà những người khai tâm cho trẻ về bốn phép tính là ai? Là phụ huynh các em, nghĩa là những người phần đông không biết chút gì về giáo khoa; hoặc các thầy giáo, cô giáo mới ở trường ra, kinh nghiệm còn non. Đã không biết cách dạy lại không hiểu luật phát triển về tinh thần của trẻ, cứ đem trẻ so sánh với ta, quên rằng chúng còn bé bỏng, rồi nổi giận, đỏ mặt tía tai, quát tháo, làm cho trẻ nước mắt chạy quanh, mếu máo hoặc giật mình thon thót, run lên cầm cập, lấm lét nhìn cái roi mây hoặc nắm tay của cha, của thầy, như vậy trách chi chúng chẳng oán môn Toán, oán đến đáy lòng, sợ môn Toán, sợ như sợ cọp? Một môn học đáng lẽ dễ dàng, vui thú như đi du lịch, đã thành cái nợ của học sinh chỉ vì sự ngu xuẩn của chúng ta! • Chúng ta có tật cứ lấy óc ta mà đoán óc trẻ, quên rằng trẻ 6-7 tuổi không hiểu nổi những cải trừu tượng mà số là một cái trừu tượng, không ai định nghĩa cho rõ ràng được. Số là cái gì, thưa bạn? Tự điển "Larousse" viết: "Nombre: rapport entre une quantité et une autre quantité prise comme terme de comparaison et qu'on appelle unite". Thật đúng như vậy không? Khi tôi nói: 3 con bò, con tôi có ý nghĩ đến một tỉ lệ nào đâu? Ông Charles Piedvache chắc cũng thấy định nghĩa ấy chưa được đầy đủ, nên định nghĩa lại (trong cuốn "Conseils et reflexions sur Téducation des enfants à Técole primaire"), và định nghĩa của ông còn rắc rối hơn. Ông bảo: "Le nombre est ce qui reste, s'il reste quelque chose, d'une collection d'objets de laquelle on abstrait tout ce qui tombe sous les sens". [15] Vậy số là một cái rất trừu tuợng, mà ta bắt trẻ làm toán ngay từ hồi chúng bốn, năm tuổi, chẳng cũng hơi sớm ư? Rồi mỗi khi chúng lầm lộn, cộng 15 con bò với 3.000$ chẳng hạn thì ta đánh đập, chẳng cũng bất công ư? Trong môn sư phạm có một qui tắc quan trọng là đi từ cái hiểu rồi tới cái chưa hiểu. Tôi vẫn biết qui tắc ấy không phải lúc nào cũng theo được, và nền giáo dục cổ hay kim thì cũng phải dạy trẻ nhiều điều mà chúng chưa hiểu nổi; miễn sao chúng thuộc, nhớ cách làm rồi sau này, lớn lên sẽ hiểu. Tức như quan niệm về số và môn Toán. Tuy nhiên, ta cũng phải nhận rằng như vậy là vạn bất đắc dĩ, và ta nên tìm hết cách cho bài học được cụ thể thì trẻ mới đỡ chán. Vậy có lẽ ta không nên bảo trẻ học: 3 với 4 là 7; mà nên bảo: 3 tờ giấy với 4 tờ giấy là 7 tờ giấy, để trẻ bớt lầm lộn mà cộng ngựa với tiền, người với sách... - Định nghĩa là những điều căn bản trong môn Toán, người lớn chúng ta nên biết, nhưng các em nhỏ thì không nên bắt học vì trong các câu định nghĩa, ý đúc lại quá, lời gọn quá, rất khó nhớ. Hồi học năm thứ nhất ban Cao tiểu, nhiều anh bạn tôi bị giáo sư Toán hỏi về định nghĩa của tiếng cercle: "Le cercle est une ligne courbe fermee dont tous les points sont à égale distance d'un point 0 intérieur appelé centre". Các anh ấy không biết thế nào là một vòng tròn đâu? Những định nghĩa như vậy, bây giờ người ta dịch đúng từng chữ ra Việt ngữ: Vòng tròn là một đường cong khép mà tất cả các điểm... rồi bắt trẻ học, có khổ cho các em không? Tám, chín tuổi đã phải học "Toán nhân là một phép toán, mục đích là, do hai số, một số gọi là số bị nhân, một số gọi là số nhân, tìm ra một số thứ ba gọi là tích số, mà số nhân có mấy lần đơn vị thì tích số ấy cũng có bấy nhiêu lần số bị nhân". Chúng ta nên bỏ lối dạy thậm vô lý đó đi mà đem nhiều thí dụ cụ thể giảng cho trẻ biết công dụng của bốn phép toán. Khi nào dụng phép này, khi nào dụng phép khác. [16] - Dạy về số ta ráng cho trẻ thấy sự liên lạc giữa chiều dài vòng tròn và chiều dài trực kính; trực kính càng lớn, thì vòng tròn càng lớn, cũng như cạnh một hình vuông càng lớn thì chu vi cũng càng lớn. Ta nên bảo trẻ vẽ ba, bốn vòng tròn lớn nhỏ khác nhau trên mặt sân, rồi dùng một sợi dây đo mỗi vòng tròn cùng trực kính và chia chiều dài vòng tròn cho chiều dài trực kính. Các em sẽ thấy một con số, gần với số Pi. Như vậy các em sẽ không bao giờ quên rằng chiều dài vòng tròn bằng Pi lần trực kính. Khi ra toán cho trẻ, ta nên lựa những bài có tính cách thiết thực, dạy cho trẻ suy nghĩ để hiểu đầu bài rồi phân tích tìm cách giải. Chăng hạn, các em sẽ lý luận như sau: - Người ta hỏi cái gì? Hỏi tiền lời. - Tiền lời bằng cái gì? Bằng tiền bán trừ tiền mua và những phí tổn?... - Tôi xin nhắc lại: đừng bao giờ làm bài cho trẻ. Nếu nhà trường ra một bài khó, trẻ không làm được, thì ta có thể bảo trẻ coi lại bài học nào đó, hoặc ta ra bài toán khác hơi giống bài ấy, giảng cho hiểu kỹ, rồi trẻ tự làm lấy bài của trường. - Về môn Toán, càng không nên nhóm lúa cho mau lớn! Ráng "nhồi" cho trẻ thì trong vài tháng trẻ có thể khá được đấy, nhưng trẻ chỉ có thể thuộc cách giải, chứ không biết cách lý luận, nên chỉ bỏ đi vài tháng là trẻ sẽ quên hết. Tôi đã nghiệm dạy về tỉ trọng cho nhiều trò lớp nhất, các em ấy làm được bài, có vẻ hiểu kỹ lắm; nhưng năm sau, các em ấy lên năm thứ nhất, lại học về tỉ trọng và tôi phải giảng lại hết từ đầu: thì ra các em chẳng nhớ gì cả. Khi óc các em chưa hiểu được thì ta tận tâm tới mấy cũng chỉ hoài công. Ý thức về tỉ trọng chỉ dùng trong khu vực khoa học, ban Tiểu học có mục đích dạy các thường thức rất phổ thông thì dạy về tỉ trọng làm chi? Vậy trong một bài toán, đáng lẽ nói: "Tỉ trọng của sắt là 7,8" sao không nói mỗi tấc khối sắt nặng 7,8 kí lô". Nghĩa là y như nhau, chỉ khác câu trên trừu tượng mà câu dưới cụ thể. Sau cùng, thỉnh thoảng ta cũng nên ra: - Những bài toán cần có lương tri mới giải được, như: "Một bà chủ nhà muốn mua vải sơn để phủ một mặt bàn tròn đường kính là 1,1 thước. Vải sơn bán 35$ một thước, khổ 1,4 thước. Khăn phủ phải thòng xuống khỏi mép bàn là 20 phân. Bà ấy tốn bao nhiêu tiền? - Những bài tập cho trẻ làm toán rợ như: "Kiếm đường kính một vòng tròn mà chiều dài là 44 thước", để tập cho các em suy nghĩ, tìm tòi, thử đi thử lại (dùng Pi = 22:7). - Những bài luyện óc thông minh, như: "Trên mặt hồ có một lá sen. Ví dụ lá ngày hôm nay to gấp đôi ngày hôm qua, ngày mai gấp đôi ngày hôm nay, thì trong 21 ngày sẽ phủ [17] kín mặt hồ. Nếu có hai lá như vậy thì mấy ngày sau sẽ kín mặt hồ?" Khi các em đã lên ban Trung học, ít bực phụ huynh còn có thể săn sóc sự học của trẻ về đủ các môn, nhất là hai môn chính: Tác văn và Toán; mà nhiều em cần được săn sóc tới mười lăm, mười sáu tuổi, tới hết đệ nhất cấp. Các vị ấy chỉ còn có cách kiểm soát sự học của trẻ như một chương trên tôi đã chỉ và kiếm lớp riêng cho các em học thêm những môn chính mà các em còn kém. Trong chương sau, tôi sẽ xét trường hợp ấy. [18] CHƯƠNG VII: ĐÓN THẦY DẠY TẠI NHÀ CHO TRẺ HỌC TƯ 1. Cách đổi đãi với ông thầy dạy tại nhà. Nên cậy ông những việc gì? 2. Lựa trường tư. 1 Nhiều bạn, vì lẽ này hay lẽ khác, không thể đích thân săn sóc kỹ lưỡng sự học của con em được, phải đón thầy lại nhà dạy thêm cho trẻ. Những ông thầy đó thường là những thanh niên nghèo còn đương đi học. Học phí tương đối nhiều - tôi không nói đắt - mà kết quả không luôn luôn được như ý. Phải gặp một ông thầy có lương tâm, có tư cách rồi đích thân bạn phải bỏ ra mỗi ngày năm mười phút kiểm soát sự học của trẻ thì trẻ mới tấn tới. Neu phó mặc hết thảy cho ồng thầy mà không ngó ngàng gì đến, thì nhiều khi tốn tiền vô ích. Nhiều ông thầy còn trẻ, non kinh nghiệm, không được trẻ trọng, muốn tự tạo uy quyền cho mình, mạt sát các giáo sư ở trường, cho chỉ có mình mới giỏi, thành thử thiếu sự hòa hợp giữa nhà và trường, trẻ sinh hoang mang, không biết nghe thầy ở trường hay thầy ở nhà. Gặp trường hợp đó, bạn nên: 1) Giúp ông thầy cho ông có đủ uy quyền; chẳng hạn nói với ông như vầy trước mặt trẻ: "Tôi không có thì giờ săn sóc sự học của cháu, được ông (hoặc cậu) thay tôi mà giúp cháu, thực quý hóa. Nếu cháu có điều chi sơ suất, xin ông cho tôi hay, tôi sẽ răn bảo cháu. Nhưng tôi tin rằng cháu sẽ dễ bảo lắm". Bạn quay lại hỏi trẻ: "Phải vậy không con?". Mà tại sao, mỗi tuần một vài lần, trước hoặc sau giờ dạy, bạn không thu xếp cho có mặt ở nhà, để chào hỏi ông giáo vài câu, mời ông hút điếu thuốc, uống chén trà? Và sao không dặn trẻ: "Phải rót chén trà mới pha mời thầy nhé!"? Trẻ tinh ý lắm, dò xét cử chỉ của bạn đối với ông thầy mà bắt chước bạn đấy. 2) Dặn ồng thầy: - Giảng lại nhũng chỗ nào chúng chưa hiểu rõ, chứ đừng ra ngoài chương trình cũng đừng đi trước chương trình. - đừng làm hộ bài cho trẻ; - đừng ra thêm nhiều bài quá, trẻ không đủ thì giờ làm; - nên dùng ngay những sách của nhà trường mà giảng, cho trẻ khỏi phải học nhiều sách rồi hóa hoang mang; - Mỗi tuần cho bạn biết kết quả học tập của trẻ. 3) Kiểm soát sự dạy do của thầy một cách kín đáo, để khỏi mất lòng ông. Đừng thường làm bộ thu xếp đồ vật trong nhà để nghe ông giáo giảng bài cho trẻ. Cứ đợi ông về rồi mở tập trẻ ra coi vài lần là đủ hiểu. Nếu ông thầy vì sơ ý hoặc soạn bài không kỹ mà dạy sai thì đừng nên nói thẳng ra rằng: "Dạy như vậy không được, phải dạy như vầy..." mà chỉ nên nói: "Chỗ này hơi khó, mặc dầu ông giảng kỹ lắm, tôi e cháu hiểu không nổi, để ít tháng nữa, cháu tấn tới một chút, sẽ giảng lại cũng không trễ". Người thông minh sẽ hiểu ngay ý bạn và phục bạn. Xin bạn nhớ điều này: Con của bạn mà bạn bỏ mặc, không ngó ngàng tới thì không ai săn sóc kỹ cho bạn đâu và tiền bạc có thể mua được đủ thứ, trừ lòng tận tâm của con người. Muốn người khác tận tâm dạy con bạn thì bạn phải kính mến người đó. Tục ngữ đã khuyên ta: Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy. 2 Có lẽ ở Sài Gòn lúc này, không gia đình nào không có con học trường tư. Tôi biết nhiều em học một lúc ba trường tư: trường thứ nhất vì có giáo sư dạy Toán giỏi, trường thứ nhì vì có "bà đầm dạy tiếng Pháp" và trường thứ ba để chuyên học Anh văn buổi tối. Vì học sinh coi học tư như chích thuốc bổ (đa đa ích thiện mà!) nên nhiều trường tư lúc này rất phát đạt. • Giá trị trường tư ra sao? Hơn hay kém trường công? Khó so sánh lắm. Tôi chỉ có thể nói rằng trò nào đủ sức theo nổi chương trình, lại siêng năng thì học trường tư thường mau tấn tới hơn học trường công vì: - các ông hiệu trưởng trường tư thường lựa các giáo sư có tài để trường nổi danh; - giáo sư tận tụy đem hết tài ra dạy để được tiếng; - giáo sư dạy cao hơn chương trình một chút, cũng để được tiếng. Còn nếu trẻ đã dở, lại làm biếng mà học một trường tư kỷ luật không nghiêm thì kết quả hoàn toàn là một con số không. Có lương tâm lắm thì người ta khuyên bảo vài lần; nghe chẳng nghe, mặc; "khúc gỗ nặng quá mà, ai kéo cho nổi!" • Bạn nên đích thân điều tra rồi lựa trường cho trẻ, đừng nên để trẻ lựa lấy. Để trẻ lựa thì có thể các em sẽ lựa trường nào bài không làm không bị rầy, bài học không phải trả; hoặc những trường có giáo sư hùng biện, diễn thuyết thao thao bất tuyệt cho học sinh nghe bùi tai mà chỉ ra bài và sửa bài lấy lệ. • Bạn nên nhớ điều này nữa là trường tư nào có kỷ luật đến đâu thì cũng chỉ phạt hoặc cùng lắm là đuổi những học sinh đã làm biếng lại vô lễ, chứ không có trường nào bắt một học sinh không theo nổi chương trình phải xuống lớp và cuối năm, bắt phải thi lên lớp. [19] Ông hiệu trưởng nào mà dám làm công việc tự sát ấy? Vì vậy học sinh lớp đệ tứ một trường tư bây giờ thường kém học sinh lớp đệ lục một trường công có tiếng. Cho nên, bạn phải: - biết trình độ của trẻ mà xin cho vào học một lớp vừa sức chúng; - đừng thấy trẻ ngồi hạng năm, hạng sáu trong một lớp bảy, tám chục học trò mà vội mừng. Chắc bạn nhớ câu tục ngữ của Pháp: "Trong xứ người đui, anh chột làm vua" chứ? - nếu trẻ kém không theo nổi chương trình thì đừng do dự gì cả, xin cho trẻ xuống ngay lớp dưới. • Trong vụ nghỉ hè, nếu trẻ khỏe mạnh, mà học hơi kém, thì nên cho trẻ học thêm. Lựa những lớp dạy riêng vài môn quan trọng mà đừng quá đông (độ ba chục trò thôi), cho trẻ học một tháng. Nếu đón thầy lại dạy tại nhà thì xin ông thầy ôn lại chương trình năm trước, giảng lại những chỗ nào trẻ chưa hiểu rõ, nhất là tổng hợp lại từng môn để trẻ nhận thấy những điểm chánh và sự liên lạc giữa các chương. Riêng về trường hợp các em sắp lên lớp đệ lục chương trình Việt - tức lớp đệ ngũ chương trình Pháp - thì nên nhờ ông giáo giảng trước cho ít bài đầu về các môn Đại số học, Hình học, vì hai môn đó rất lạ đối với các em. Em nào chậm hiểu mà không được người giảng trước cho thì vào trường, sẽ bỡ ngỡ trong nhiều tháng đầu và có thể do đó, sinh chán và dở Toán. CHƯƠNG VIII: TRẺ SẮP THI RA TRƯỜNG 1. Tổ chức sự học của trẻ trong năm trẻ thi ra trường. 2. Ít điều nên biết về ký tính. 1 Ông Charles Piedvache trong một cuốn tôi đã dẫn ở trên, nói: "Những kỳ thi là một sự cần thiết đáng buồn". Đáng buồn thật. Nó bắt ta phải nhồi vào sọ trẻ hàng trăm danh từ Địa lý, hàng chục niên hiệu, hàng trăm con số và biết bao cái vô nghĩa khác nữa. Trẻ phải học ngày học đêm hàng năm sáu tháng trời, học tới ốm o, xanh xao, có khi tới ho lao, loạn óc! Ta đã bắt buộc phải nhồi sọ trẻ thì ta cũng nên nhồi sọ một cách có phương pháp để trẻ dễ nhớ. Trong cuốn "Kim chỉ nam của học sinh" [20] in kỳ nhì, tôi đã thêm một chương chỉ cho học sinh ban Trung học cách tổ chức sự học năm thi ra trường. Dưới đây tôi xin nhắc lại những qui tắc chính: - Trước hết, đầu năm, bạn nên biết trong kỳ thi người ta sẽ hỏi về những môn gì và chương trình mỗi môn ra sao? Hệ số của mỗi môn là bao nhiêu? Ít bạn hiểu sự quan trọng của hệ số, nên tôi xin lấy một thí dụ rất đơn giản để giảng. Chẳng hạn thi có hai môn: Tác văn và Toán mà hệ số Tác văn là 3, Toán là 1. Một trò giỏi Tác văn mà kém Toán, Tác văn được 12 điểm, Toán được 4 điểm. Tác văn hệ số là 3 thì 12 điểm nhân với 3, được 36 điểm; Toán hệ số là 1 thì để nguyên, vẫn là 4. Cộng lại là 40 điểm, chia cho 4 (hệ số 3 cộng với hệ số 1) được 10. Trò ấy đậu. Một trò khác giỏi Toán mà dở Tác văn, được 6 điểm Tác văn và 16 điểm Toán. Nếu cộng hai số ấy với nhau mà không kể đến hệ số của mồi môn thì được 6+16=22, còn nhiều điểm hơn trò trên (12+4=16). Nhưng khi kể tới hệ số thì trò sau lại kém xa: (6x3)+16=34. Ba mươi bốn chia cho 4 (hệ số 3 cộng hệ số 1), được 8,5 điểm chưa đủ 10, trò ấy rớt. Vậy giỏi về những môn hệ số lớn thì rất lợi, dễ đậu; dở về những môn ấy thì rất hại, dễ rớt. Càng học lên cao, hệ số càng quan trọng. Hiện nay tại ban Trung học Việt Nam, Toán có hệ số lớn nhất: 6 [21] , nghĩa là bằng hai môn Tác văn mà hệ số chỉ là 3. - Trong những môn ấy, trẻ kém về môn nào? - Trong mỗi môn, vạch những cho quan trọng cho trẻ. - Môn nào quan trọng như Toán thì bảo trẻ ngay từ đầu năm, học tới đâu, ôn những bài cũ tới đó. - Môn nào không quan trọng mà lại khó nhớ, như Sử ký, Địa lý thì để tới những kỳ nghỉ lâu như Tốt, lễ Phục sinh hãy học ôn. - Lập một chương trình học ôn: như được nghỉ 15 ngày mà muốn ôn tất cả 60 bài thì mỗi ngày ôn 5 bài, mất 12 ngày, còn 3 ngày để ôn qua lại một lần nữa hoặc phòng những sự bất ngờ. - Nên thu xếp ra sao cho nửa tháng hoặc một tuần trước kỳ thi, trẻ ôn lại được hết chương trình rồi và lúc đó được nghỉ ngơi hoàn toàn. - Đừng bao giờ bắt trẻ thức khuya quá. - Cho trẻ ăn những thức bổ, dễ tiêu và không kích thích thần kinh. 2 Học sinh thời này cũng như thời xưa, hễ ký tính mẫn tiệp và bền bỉ thì hơn bạn và thi dễ đậu, nên luyện ký tính là một việc cần thiết. Khoa học đã giảng được sự tiêu hóa, sự hô hấp nhưng chưa giảng được ký tính. Tại sao chúng ta nhớ được những việc cũ từ hồi một, hai tuổi, có lẽ cả những việc trong tiền kiếp? [22] Chắc chắn là không nhớ bằng tế bào của óc. Nếu bảo hình ảnh mọi vật ghi vào tế bào đó mà ta nhớ được thì tại sao, sáu bảy năm, tế bào óc đã thay đổi hết mà ta vẫn còn nhớ được những việc cũ trên bảy năm? Hình như óc chỉ giúp ta nhớ lại những hình ảnh, cảm giác cũ, còn chính ngũ quan và cơ thể ta, hết thảy những bắp thịt của ta mới ghi những hình ảnh cùng cảm giác ấy. Khi ta đạp xe máy, óc nghĩ vớ vẩn mà chân vẫn đạp, thế là bắp thịt cặp giò của ta nhớ công việc của nó và đều đều làm việc, không đợi óc ta sai bảo. Một em bé thuộc bản cửu chương có phải là nhờ óc đâu, mà là nhờ tai cùng những bắp thịt ở môi, ở miệng. Chẳng hạn học lớn tiếng một ngàn lần "7 lần 8, 56" bắp thịt ở môi quen với câu đó quá rồi, lần sau hễ nói "7 lần 8" là tự nhiên ra 56. Cũng như quen đi qua một cánh cửa thấp, phải cúi đầu, rồi một hôm, sửa cửa cho cao lên, ta biết vậy mà đi ngang qua cũng tự nhiên cúi đầu xuống. Thứ ký tính như máy đó, ta nên lợi dụng khi trẻ dưới bảy tuổi để dạy trẻ dụng ngữ hoặc bản cửu chương; nhưng một trẻ đã biết suy nghĩ thì ta nên tập cho trẻ so sánh, phân tích, tổng họp để nhớ được lâu [23] . Trong năm trẻ thi ra trường, ta nên giúp trẻ suy nghĩ, tìm liên lạc giữa các ý để nhớ, còn những điều chỉ có thể nhớ một cách máy móc như niên hiệu, danh từ Địa lý... thì để đến gần kỳ thi hãy cho trẻ học, có học trước rồi cũng mau quên, không ích gì. Những tên khó nhớ, ta bảo trẻ ghi vào sổ tay hoặc chép lên bảng đá để trên bàn học, mỗi ngày nhìn vào đó đọc lớn tiếng ba lần, mỗi lần năm sáu lượt. Như thế chỉ thi xong ít lâu, các em sẽ quên hết; nhưng có hề gì đâu, chính mục đích của ta là vậy. • Mỗi người có một lối nhớ riêng: người nhớ bằng mắt (họa sĩ) mau hơn bằng những cơ quan khác, người nhớ bằng tai (nhạc sĩ) mau hơn bằng mắt... Ta nên biết ký tính của trẻ thuộc trong loại nào để lợi dụng triệt để thiên tư của trẻ. Ví dụ em nào dễ nhớ bằng mắt thì ta bảo vừa học vừa vẽ nhiều hình. Tuy nhiên, không nên sao nhãng hẳn những cơ quan khác và phải tập cho trẻ em dùng đủ mọi cách để nhớ. • Ai cũng nhận rằng thân thể có khỏe mạnh, óc có bình tĩnh thì mới dễ nhớ lại những điều đã học. Các bác sĩ còn nói máu lên óc nhiều thì dễ suy nghĩ, dễ nhớ và những người thiếu máu thường hay quên. Vậy ta đừng nên nạt nộ, cho trẻ hóa bối rối. Gần ngày thi, nên cho óc trẻ được thảnh thơi. Chỉ một đêm thiếu ngủ, lo lắng cũng đủ có ảnh hưởng tai hại đến ký tính của ta. Chắc bạn nào cũng nhận thấy điều ấy. Vậy mà tôi không hiểu tại sao có những bực phụ huynh học sinh cho con em uống trà, cà phê để thức tới nửa đêm luôn trong năm, sáu tháng. Những trẻ đó dù có thi đậu cũng sẽ đuối sức, không sao học lên cao được nữa, tôi biết nhiều em gắng sức quá, đứng đầu lớp ở năm thứ tư nhưng lên ban Tú tài thì mỗi năm một thụt lùi và thi hoài phần thứ nhất không đậu. Phụ huynh các em ấy phải chịu một phần trách nhiệm. CHƯƠNG IX: LÀM SAO TRỊ ĐƯỢC TẬT LÀM BIẾNG CỦA TRẺ I. Trẻ vốn ưa hoạt động. Nếu chúng làm biếng là có nguyên do. II. Trẻ làm biếng vì không đủ thông minh. 1. Trẻ trì độn a. Thế nào là trẻ trì độn? b. Cách đo tinh thần những trẻ trì độn. c. Phương pháp dạy những trẻ trì độn. 2. Trẻ chậm khôn. 3. Trẻ bề ngoài có vẻ ngu. Kết III. Trẻ đủ thông minh mà làm biếng. 1. Nguyên nhân về thể chất và sinh lý a. Sự chậm chạp b. Sự không chú ý c. Tinh thần mỏi mệt d. Trẻ suy nhược e. Tinh thần vụng về 2. Nguyên nhân về giáo dục a. Cha mẹ bỏ thỉ con b. Cha mẹ săn sóc tới con quả c. Cha mẹ quả chiều con 3. Nguyên nhân về phương pháp dạy dỗ a. Chương trình nặng quả b. Trẻ không đủ sức c. Trẻ đủ sức d. Thay đổi nhiều trường e. Phải bỏ học một thời gian lâu g. Thầy trò không mến nhau h. Trò thấy sự học không có thú 4. Nguyên nhân về tinh thần của trẻ a. Trẻ thấy học không có lợi b. Gương xấu của gia đình c. Trẻ bướng bỉnh d. Làm biếng vì nọa lực Kết I Các tâm lý gia đều nhận rằng trẻ có một sinh lực rất dồi dào, cần chạy nhảy, đùa giỡn để tiêu bớt sinh lực đó đi. Lại nhận rằng chúng có tánh tọc mạch tự nhiên, thèm khát biết thêm, gặp cái gì mới lạ cũng chăm chú ngó và hỏi "Tại sao?". Chỉ nhờ hai tiếng "Tại sao?" đó là lần lần chúng chinh phục được vũ trụ, hiểu được những vật ở gần rồi ở xa, sau cùng hiểu những ý tưởng trừu tượng. Vậy, bẩm tính chung của trẻ không phải là làm biếng. Nếu kết quả của chúng trong sự học không được như ý, ta đừng vội đổ tội rằng chúng làm biếng. Trước hết ta phải tự hỏi chúng có làm biếng thật hay không đã. Rồi nếu quả thật chúng làm biếng, ta lại phải xét: "Tại sao chúng làm biếng? " Tìm được nguyên nhân rồi mới tìm cách trị. Có hành động như vậy mới ích cho trẻ. Còn nếu chẳng tìm tòi, suy nghĩ gì hết, cứ rầy trẻ thì chẳng giải quyết được gì cả. Có những em đủ thông minh và sức khỏe để học. Chỉ những em đó, nếu không chịu học, mới đáng trách, còn những em vì không đủ thông minh, sinh chán học, mà ta rầy là làm biếng, là bất công với chúng. II. TRẺ KHÔNG ĐỦ THÔNG MINH Trước hết chúng ta hãy xét những trẻ không đủ thông minh. Ta phân biệt ba hạng: trẻ trì độn, trẻ chậm khôn và trẻ bề ngoài có vẻ ngu. 1. TRẺ TRÌ ĐỘN a. Thế nào là trẻ trì độn? Chúng thường là những trẻ dễ bảo, âu yếm, dễ dãi, thật thà. Học đều đều mà không tấn tới. Ráng chú ý lắm nhưng không được lâu và mau mệt. Có đứa nhớ lâu, có đứa mau quên, nhưng dù có nhớ lâu thì chúng cũng chỉ nhớ như con vẹt, chứ không hiểu chút gì. Chúng khồng biết nhận xét, lý luận, ăn nói vụng về, có khi thốt ra những lời vô nghĩa. b. Cách đo tinh thần của trẻ trì độn. Ta dễ nhận được một đứa trẻ trì độn, nhưng muốn biết rõ những cơ năng tinh thần của chúng ở vào trình độ nào, cơ năng nào kém nhất, cần luyện tập trước hết thì ta phải dùng những trắc nghiệm về thông minh của Binet, Simon, Terman, Meili, Vermeylen, v.v... c. Phương pháp dạy dỗ những trẻ trì độn. Muốn dạy dỗ những trẻ trì độn, phải dùng một phương pháp đặc biệt. Phải huấn luyện lại ngũ quan và những cơ năng vận động bằng phương pháp thể dục tiết điệu của Dalcroze, bằng những trò chơi của Montessori, Decroly, Vermeylen; rồi tập cho trẻ làm thủ công như làm nệm, may vá, làm vườn... cho chân tay chúng khéo léo. Sau cùng, tùy trình độ tinh thần và sự khéo léo của chúng mà hướng dẫn chúng về một nghề nào đó. Những nghề hợp với chúng nhất là làm ruộng, đan rổ, đóng giày, làm nệm... Trong sự dạy dỗ đó, nên theo những nguyên tắc sau này của Decroly: - Huấn luyện lại những cơ năng của trẻ càng sớm càng hay; - Mỗi trẻ có một người dạy riêng, theo một phương pháp riêng; - Cho trẻ hoạt động càng nhiều càng tốt; - Muốn cho chúng làm việc gì, phải chỉ cho chúng thấy sự ích lợi của việc đó ; - Cho trẻ tiếp xúc với thực tế; - Dạy cho chúng những môn có ích lợi ngay cho chúng; - Dạy chầm chậm; - Đừng giảng nhiều quá và bắt chúng nhớ nhiều; - Nếu chúng hiểu được thì giảng cho chúng những liên quan trực tiếp giữa sự, vật, rồi giảng đến những liên quan trong không gian, sau cùng mới đến những liên quan trong thời gian, nghĩa là phải đi từ cụ thể đến trừu tượng; - Dạy kỹ thuật và đồng thời tập cho chúng nhận xét; - Chú trọng nhất đến những hoạt động thực tế; - Trong khi chúng tiếp xúc với thực tế, tập lần lần cho chúng phô diễn ý tưởng của chúng. 2. NHỮNG TRẺ CHẬM KHÔN Trẻ trì độn sẽ trì độn suốt đời, không sao theo kịp được những bạn khác; trái lại, trẻ chậm khôn có thể theo kịp được bạn. Phương pháp để dạy những trẻ trì độn có thể áp dụng cho hạng trẻ chậm khôn, nhưng cần nhất là phải dùng y học mà trị. 3. NHỮNG TRẺ BỀ NGOÀI CÓ VẺ NGU Sau cùng, ta nhận thấy có những trẻ bị cha mẹ hành hạ quá, luôn bị rầy mắng mà hóa ra nhút nhát, lúc nào cũng sợ sệt, làm thinh, có vẻ đần độn: nhưng khéo dùng lời ngọt ngào, làm cho chúng mến và tin ta thì chỉ ít lâu chúng mất vẻ ngu độn mà có thể tỏ ra thông minh hon những đứa khác. Những trẻ đó thường rất dễ cảm động. Muốn huấn luyện chúng, trước hết cha mẹ, thầy học phải sửa đổi tính quá nghiêm khắc, quạu quọ của mình đi. Nếu không được, thì phải giao cho một người khác từ tâm, khoan hồng dạy dỗ chúng trong ít lâu rồi lần lần cho chúng luyện những đức tính đó và tập bản năng tranh đấu, vì chúng vốn là những trẻ ủy mị. Kết luận: Tóm lại, ba hạng trẻ trên, học hành không tấn tới không phải tại chúng lười mà tại thiên tư của chúng kém (trẻ trì độn và trẻ chậm khôn) hoặc tại chúng vốn ủy mị mà lại gặp những hoàn cảnh nghiêm khắc trong gia đình và trường học. Ta phải tùy từng trẻ mà kiên tâm huấn luyện lại chứ không thể lấy ba tiếng: "Tại chúng lười", mà trút hết trách nhiệm của ta được. III. TRẺ ĐỦ THÔNG MINH MÀ LÀM BIẾNG Sự làm biếng của hạng trẻ này có bốn loại nguyên nhân: nguyên nhân về thể chất và sinh lý, nguyên nhân về giáo dục, nguyên nhân về phương pháp dạy dỗ và nguyên nhân về tính tình của trẻ. 1. NGUYÊN NHÂN VỀ THỀ CHẤT VÀ SINH LÝ Tai, mắt, nếu có tật, bộ máy hô hấp nếu không sung túc, những hạch trong cơ thể nếu không phát triển điều hòa, đều có thể làm cho trẻ hóa ra chậm chạp hoặc khó chú ý, và do đó, không tấn tới. a. Sự chậm chạp Nhiều trẻ sinh ra vốn chậm chạp vì di truyền trong gia đình hoặc vì huyết thống của nòi giống. Trường hợp đó không có gì đáng lo vì tính chậm chạp đó thường khi là biểu hiện của tính nghiêm trang hay suy xét và chịu kiên nhẫn. Nhưng có khi sự chậm nhớ, chậm hiểu của trẻ do những nguyên nhân sau này: - Giáp trạng tuyến (glande thyroide) ở sau cuống họng không sung túc, trẻ sợ lạnh, ít chịu suy nghĩ, lúc nào cũng lờ đờ như buồn ngủ. - Hạch ở trên thận (glandes surrénales) không sung túc, trẻ thấy mau mệt. - Gan yếu (bệnh này thường có), trẻ ăn khó tiêu, hay giận dữ, ít bình tĩnh, vui vẻ. - Cơ thể ốm yếu do tiên thiên bất túc, trẻ hay buồn, chán. Phải dắt những trẻ đó lại y sĩ. Trị được hết bệnh thì tật chậm chạp cũng hết. b. Sự không chú ý Phải phân biệt hai hạng trẻ. 1) Hạng trẻ không thích một cái gì hết, không biết chú ý tới gì, do: - Mỏi mệt về thể chất hoặc tinh thần. - Lao lực, lao tâm - Bộ máy hô hấp không sung túc. - Giáp trạng tuyến hoặc hạch ở trên thận không được sung túc. - Cơ thể ốm yếu vì tiên thiên bất túc. 2) Hạng trẻ chú ý tới nhiều cái quá trong một lúc, hoặc chỉ chú ý tới mỗi cái một chút thôi. Óc chúng tựa con chim, nhảy nhót luôn luôn, không đậu ở cành nào lâu. Tật đó do: - Tinh thần bất định (một chứng bịnh thần kinh). - Giáp trạng tuyến quá sung túc. Hạng trẻ đó cũng phải nhờ lương y chữa. c. tinh thần mỏi mệt, do lao tâm, lao lực Những trẻ đó không ham muốn chi hết, lúc nào cũng ủ rũ, nước da xanh, mắt sâu, ăn không tiêu, quạu quọ, có khi bướng bỉnh, ngủ mê man mà không say, thường nhức đầu, không chú ý được vào bài vở, học không kết quả. Phải cho chúng hoàn toàn nghỉ ngơi ở nhà quê, ăn những thức ăn bổ và vận động một cách điều độ, họp với sức chúng. d. Lại có những trẻ suy nhược, khi ta bảo làm một việc gì dù rất dễ, chúng cũng trả lời: "Tôi làm không được". Mà chúng làm không được thật. Chúng suy nhược từ hồi nhỏ, không suy nghĩ, hoạt động, tới mơ mộng cũng không. Tật của chúng do gan hoặc hạch trên thận suy. Phải trị lâu mới hết. e. Sau cùng, có hạng tinh thần vụng về. Chúng chăm chỉ lắm, nhưng luôn luôn kém bạn. Phạt chúng thì thật là bất công. Thường chúng vụng về cả trong cử chỉ, ngôn ngữ. Muốn dạy dỗ chúng, phải theo những qui tắc của Decroly đã kể ở trên. 2. NGUYÊN NHÂN VỀ GIÁO DỤC Có ba nguyên nhân: a. Cha mẹ bỏ thí con - trường hợp này thường xảy ra ở xã hội ta. Mười gia đình không có được một săn sóc đến trẻ; trẻ vốn ham chơi không có ai kềm thúc, tất sinh làm biếng. b. Có khi trái lại, cha mẹ săn sóc tới con quá. Trường hợp này hiếm hơn nhưng kết quả rất tai hại. Nhiều người cha đánh đập, rầy mắng trẻ hoài: "Mày là đồ vô dụng, đồ ngu, ăn uổng cơm tao"... không bao giờ an ủi chúng, khen lấy chúng nửa lời, vì có khi nào chịu nhận thấy sự gắng sức của chúng đâu. Thành thử chúng sợ, quá chán nản, lần lần hóa ra đần độn. Ta nên nhớ rằng trẻ không được âu yếm trong gia đình thì học hành khó tấn tới. c. Sau cùng, có hạng cha mẹ quá chiều con. Cậu ấm, Cô chiêu muốn gì được nấy, mới chín mười tuổi đã đánh phấn, thoa son, đồng hồ viết máy hảo hạng, đi đâu cũng xe đưa xe đón. Nếu thầy giáo lỡ rầy cô, cậu thì cha mẹ hầm hầm, muốn gây với ông thầy. Chúng muốn học thì học, muốn chơi thì chơi. Có khi chúng chưa ngồi học đã sợ chúng nhức đầu, lao tâm "Thôi đi nghỉ đi con". Muốn dậy trễ tới mấy giờ cũng được, muốn học trường nào thì học. Mà tất nhiên là cô cậu muốn học những trường không có kỷ luật. Nuông con như vậy là một sự hèn nhát, một sự đầu hàng trẻ và không sớm muộn, sẽ có loạn trong nhà. Đối với những trẻ đó, phải bắt chúng rời gia đình, cho chúng vào ký túc xá, trong đó chúng tập sống nhu các bạn, gặp gì ăn nấy, ăn ngủ đúng giờ, hễ dậy trễ thì mất ăn, hễ không thuộc bài thì bị phạt. Và nên cho chúng vào một đoàn hướng đạo, tập làm những công việc lặt vặt, chịu một kỷ luật nghiêm khắc. Lâu lâu mới cho chúng thăm cha mẹ một lần. Nếu không huấn luyện chúng ngay thì sau này chúng sẽ thành những con mọt của xã hội. 3. NGUYÊN NHÂN VỀ PHƯƠNG PHÁP DẠY DỖ a. Chương trình nặng quá Mặc dầu trong mười năm nay, chương trình đã được tỉa bớt đi ít nhiều, nhưng vẫn còn tính cách nhồi sọ. Đã vậy, nhiều ông giáo lại bắt học sinh nhớ đủ các chi tiết vụn vặt. Như vậy trẻ thấy chán, rồi sinh làm biếng. b. Chương trình đã nặng mà phụ huynh lại ép con. Chúng không đủ sức cũng bắt chúng lên lớp, để được cái vinh dự rằng có con nhỏ tuổi mà học lớp cao. Như vậy rất hại cho trẻ. Không hiểu nổi chương trình, chúng sẽ ghét học rồi trốn học, bỏ học. Thà cho chúng ngồi nhất, nhì lớp dưới còn hơn ngồi gần bét lớp trên. c. Nhưng trái lại, cũng có trẻ đủ sức theo lớp trên mà người ta bắt chúng học lớp dưới. Học lại những bài cũ, chúng không cần gắng sức, rồi thành ra làm biếng. Trường hợp này hiếm có. d. Thường gặp hơn là trường hợp các trò phải thay trường, đổi thầy luôn luôn. Trong một năm mà thay hai, ba trường, học bốn, năm ông giáo. Mỗi ông dạy một lối, các trò đó không hiểu được gì nữa, sinh chán, không có kết quả, rồi người ta đổ lỗi cho chúng là làm biếng. e. Tại nước ta, trong mấy năm gần đây, còn nhiều trò vì thời cuộc phải ngưng học trong bốn, năm năm. Khi trở lại học, óc đã "sét" rồi, mà tuổi lại lớn, gắng sức không có kết quả, sinh chán học và bị thầy học, cha mẹ rầy. g. Lại còn trường hợp thầy không mến trò, trò không quý thầy. Mỗi lần sắp vào lớp như sắp bị đi đày, coi lớp như một nhà khám, như vậy làm sao có kết quả được? Diderot đã phàn nàn: "Làm sao được bây giờ? Trò đó không mến tôi, làm sao dạy nó được?" Tôi muốn nói thêm "Ông không mến nó làm sao nó thích học ông được?". h. Sau cùng, có những trò thấy sự học không có thú gì hết, nên sinh ra làm biếng, đó là lỗi của: - Ông thầy không biết làm cho giờ học vui vẻ, linh động, không biết khuyến khích, vỗ về học trò; - Cha mẹ không biết săn sóc đến sự học của trẻ, hoặc bắt chúng học một môn không hợp với sở thích của chúng. Chúng muốn đi buôn, muốn học máy mà cứ nhất định bắt chúng phải có bằng tú tài để học luật thì làm sao chúng chẳng chán học mà sinh ra làm biếng? 4. NGUYÊN NHÂN VỀ TINH THẦN CỦA TRẺ Người ta thường nói: "Muốn chăm học phải có nghị lực. Làm biếng tức là thiếu nghị lực. Tập cho trẻ có nghị lực, chúng sẽ chăm học". Có những trẻ cương quyết nói: "Tôi không muốn học". Và chúng nhất định không học thật. Những trẻ đó có thiếu nghị lực đâu? Trái lại, chúng rất nhiều nghị lực, nên mới cương quyết được. Chúng sở dĩ nhất định không chịu học vì những nguyên nhân sau này. a. Chúng thấy học không ích lợi gì cả, vì chúng vụng suy. Chúng thích học máy chẳng hạn và nghĩ học máy thì không cần biết Sử ký, Địa lý, Văn chương, Toán học, nên chúng nhất định thôi học. Hoặc chúng nghĩ ở đời biết bao kẻ không chịu học mà cũng thành công, vậy cần gì phải học? Rồi chúng phá ngang. Đối với những trẻ đó, dọa dẫm, thịnh nộ là thất sách. Nên đợi lúc chúng bình tĩnh hoặc gặp một chuyện gì cảm động trong gia đình mà ngọt ngào giảng cho chúng thấy rằng chúng lầm. b. Trong những gia đình kiếm tiền một cách dễ dàng quá, trẻ dễ hư và làm biếng học. Chúng thấy cha mẹ không khó nhọc mà cũng giàu có, rồi nghĩ rằng bổn phận của cha mẹ là phải nuôi chúng, gây dựng cho chúng, sau này chúng sẽ hưởng gia tài để lại, ăn suốt đời không hết, học mà làm chi? Những trẻ đó không phải là làm biếng mà là những đứa hư. c. Có trẻ nhất định không học vì bướng bỉnh, muốn chống lại với cha mẹ, muốn tỏ rằng chúng tự do, không ai bắt buộc được hết. Đối với những trẻ này cũng phải kiên tâm, đợi lúc thuận tiện giảng cho chúng thấy rằng chống lại với ta như vậy là tự chống lại với chúng... d. Sau cùng có bọn làm biếng vì nọa lực, không có cách gì cho chúng ham học được. Khuyến khích, thưởng phạt, đánh mắng... đều vô hiệu, nói bao nhiêu như nước đổ đầu vịt bấy nhiêu. Chúng không hớn hở, không hăng hái, không sợ sệt, cũng không phàn nàn. Thật là trơ như đá, vững như đồng. Nhưng đá còn đúc được, đồng còn đúc được, còn chúng thì không có cách nào thay đổi sự quyết tâm của chúng. Nói tới tương lai của chúng ư? Chúng lễ phép nghe, nhưng trong thâm tâm thì nghĩ: "Biết đâu mà lo xa đến tương lai, hãy biết hiện tại đã". Trách chúng làm ta buồn rầu ư? Chúng ngoan ngoãn nhận rằng chúng "lỗi đạo làm con" đấy, nhưng chẳng vì vậy mà chúng đổi ý. Chúng thông minh, hiểu lẽ phải lắm, tử tế vui vẻ và tận tâm với bạn bè, tính tình dễ thương, chỉ có mỗi một tật là làm biếng học. Mà chúng cũng chẳng đau ốm gì. Có thiếu nghị lực không? Cũng không. Nọa lực của chúng đủ chứng rằng chúng rất giàu nghị lực. Chúng có cố ý làm ta buồn không? Cũng không. Vì chúng biết nhận lỗi. Mà sửa lỗi thì nhất định không sửa. Nhưng ta nhận rằng chúng chỉ làm biếng học thôi, còn những công việc tay chân thì chúng rất thích, có khi có biệt tài nữa. Vậy đối với chúng, ta đừng giam chúng vào ký túc xá, đừng kiếm thầy bắt chúng học thêm. Những cách đó đều vô hiệu. Cứ để cho chúng học được bao nhiêu thì học và đồng thời cho chúng tập nghề, làm theo sở thích của chúng. Biết đâu tập nghề ít lâu, chúng chẳng thấy rằng làm nghề gì cũng vậy, không có một sức học chắc chắn thì thua kém người, và lúc đó, chúng hăm hở học, hối hận đã bỏ phí nhiều năm. Nếu công việc tay chân mà chúng cũng không thích nữa thì chỉ còn cách là đành vậy thôi và trông mong ở thời gian có thay đổi chúng không. Kết Chúng ta đã xét trên hai chục hạng học sinh làm biếng. Trong số đó chỉ có hai hạng sau cùng (hạng trẻ bướng bỉnh muốn chống lại cha mẹ và hạng có nọa lực là có lỗi). Vậy khi thấy trẻ học không có kết quả mà không xét nguyên nhân, đổ lỗi ngay cho chúng, thật là bất công với chúng. Tìm được nguyên nhân rồi lại biết kiên tâm dùng phương pháp xác đáng để trị thì 10 trò làm biếng có thể sửa được tới chín. Muốn tìm nguyên nhân, phụ huynh học sinh phải hợp lực với ông thầy. Trong chương sau, chúng tôi sẽ xét vấn đề này. [24] CHƯƠNG X: GIA ĐÌNH VÀ TRƯỜNG HỌC 1. Sự hợp tác giữa gia đình và trường học 2. Cách cư xử với ông giáo 3. Những bài bảo không đứng đắn 1 Gia đình và trường học phải hợp tác chặt chẽ với nhau, cùng săn sóc hạnh kiểm và sự học của trẻ, trao đổi những nhận xét riêng của nhau về trẻ; có vậy mới khỏi thấy cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược, một bên tận tâm xây dựng, một bên vô tình phá hoại. Gần đây nhiều người đã nhận thấy sự cần thiết ấy và những hội phụ huynh học sinh đã bắt đầu xuất hiện ở Sài Gòn. Chúng ta mong rằng tại mỗi tỉnh nhỏ cũng sẽ có một hội và gia đình cùng trường học sẽ bắt tay nhau hoạt động hăng hái hơn nhiều. - Mỗi hội nên lập một tủ sách học sinh, như vậy chưa đủ; mỗi hội viên còn nên cấm con em đọc những sách nhảm nhí, coi những phim bậy bạ. cấm và kiểm soát. Học đường cũng nên lâu lâu làm một cuộc "ráp", xét cặp sách của trẻ xem có những loại sách "con heo" và loại "kiếm hiệp ba xu" không. Cách đây độ một tháng, một báo ở Sài Gòn đăng tin hàng ngàn nữ sinh Hà Nội gửi thư lên nhà cầm quyền xin cấm xuất bản hai loại sách ấy. Tuổi thiếu niên là tuổi thơ mộng. Chỉ cấm trẻ đọc sách bậy chưa đủ. Phải có những sách bổ ích và vui để các em đọc, phải nuôi cho các em một lý tưởng, nếu không sự trống rỗng trong đầu óc các em sẽ hại cho tinh thần các em lắm. Sao các hội phụ huynh học sinh không đặt ra những phần thưởng để khuyến khích sự sáng tác các loại sách "Tuổi thơ" lành mạnh đó? [25] hoặc hùn nhau lập một nhà xuất bản những sách bổ ích cho thiếu nhi và thanh niên? Ở Sài Gòn đã có được năm, sáu hội phụ huynh học sinh, mỗi hội ít nhất cũng có năm trăm hội viên, tính chung các hội ở toàn quốc cũng được sáu ngàn hội viên. Nếu mỗi hội viên mua được một cuốn thì chỉ xuất bản cho các gia đình các hội viên cũng có lời rồi. Huống hồ còn nhiều độc giả ở ngoài hội nữa. Công việc ấy vừa hữu ích, vừa có lợi, và chỉ cần đoàn kết nhau là làm được. Mỗi phụ huynh học sinh nên có một cuốn sổ trong đó ghi những nhận xét về trẻ gởi cho học đường biết, học đường cũng ghi nhận xét cho gia đình hay và hỏi gia đình về đời sống của trẻ, như: Trẻ đi học về có đúng giờ không? Hôm qua nghỉ buổi sáng, tại sao? Lúc này đọc những tiểu thuyết gì? Trong lớp có vài lần mơ mộng. Ở nhà ra sao? ... - Gia đình và trường học nên lập cho mỗi trẻ một thẻ về sức khỏe, tính tình, sự học và thiên tư của em. - Tại ban Tiểu học, phụ huynh học sinh nên lâu lâu lại thăm ông giáo để hai bên hiểu biết nhau mà hợp tác với nhau. Lên ban Trung học, mỗi giáo sư dạy nhiều lớp quá (nhất là tại trường tư, có ông dạy mười lớp, cộng là năm, sáu trăm học sinh), ta lại thăm các ông, chắc nhiều ông miễn cưỡng mà tiếp; nhưng ta có quyền viết thư hỏi ông về hạnh kiểm và sự học của trẻ và những ông nào có lương tâm một chút, tất vui vẻ trả lời ta. Nếu bất đắc dĩ phải lại thăm các ông, thì đừng ngồi lâu, trừ khi chủ nhân thực tình giữ ta lại. - Nhiều phụ huynh học sinh phàn nàn một số trường tư không có kỷ luật, giáo sư không biết dạy hoặc thiếu tư cách, lớp học đông quá mà học phí cao... Các vị ấy chỉ biết phàn nàn suông. Tại sao lại có thái độ tiêu cực như vậy? Không ai chối cãi rằng mở trường tư là "làm ăn". Tuy nhiên, việc làm ăn ấy không giống hẳn các việc làm ăn khác, như việc mở tiệm "nhảy đầm" chẳng hạn. Khi bỏ tiền ra cho em học, ta có quyền đòi hỏi các ông chủ trường một chút xíu lương tâm, một chút xíu thôi. Có những lớp chín chục trò, có những trò nghỉ hai ba ngày mỗi tuần mà trường học không cho gia đình hay là lỗi tại ai? Sao không tỏ những điều bất mãn của ta với ông hiệu trưởng rồi cương quyết đòi những cải cách tối thiểu. Một người kêu nài, nhà trường có thể bỏ qua, mười người, hai mươi người kêu nài thì trường tư nào mà không kiêng nể? Con em ta hư hoài, học hành không tấn tới không phải tại học đường mà tại gia đình. 2 Đã đành nhiệm vụ của một công chức giáo viên đối với quốc gia khác nhiệm vụ của một công chức thư ký sở Ngân khố chẳng hạn, nhưng ta cũng không nên vịn vào lẽ nghề dạy học là một nghề thiêng liêng mà bắt nhà giáo phải sống một đời kiểu mẫu như đời Khổng Tử hoặc Socrate. Trái lại, coi nhà giáo như một công chức khác thì cũng quá. "Ông dạy con tôi thì ông ăn lương nhà nước, tôi cho con tôi đi học thì tôi đóng thuế cho chính phủ; thế là hết nợ nhau rồi". Chỉ những người không biết trọng sự học mới thốt ra lời ấy. Than ôi! Trong xã hội ngày nay có một số đông người như vậy. - Khó xử nhất là khi gặp những ông giảo quá tự tín. Một ông nọ dạy lớp ba, thấy một bài làm của một trò nọ có chữ dặn (dặn dò), cho là viết sai, thêm ngay chữ g vào sau. Nếu chỉ có vậy thì là chuyện thường vì hiện nay ta chưa có thể bắt hết thảy các nhà giáo thuộc chính tả được, chính các nhà văn, nhà báo mà mươi người tới bảy tám người còn viết sai thay! Nhưng nhà mô phạm đó lại lấy thước kẻ quất vào bàn tay em nhỏ, bảo: "Để sau mày nhớ: dặn dò thì phải có g nghe không?" Khi em ấy về nhà ông thân em thấy một lằn đỏ ở bàn tay, hỏi em, em kể đầu đuôi. Ở vào địa vị người cha đó, bạn hành động ra sao? Làm thinh, rồi, nếu có thể được, xin cho trẻ đổi lớp, chứ biết làm sao bây giờ? Một anh bạn tôi ngày nào cũng coi tập của trẻ, một hôm thấy thầy giáo viết trong tập một em học lớp năm, hai chữ (cái dỉa) (dỉa dấu hỏi), anh sửa lại là "cái dĩa" (dĩa dấu ngã). Mấy hôm sau, thầy giáo mở tập ra thấy sửa lại như vậy, bảo em nhỏ là "viết theo giọng Huế" và từ đó, cả lớp gọi em là "con Huế", làm em tủi thân. Anh bạn tôi kể lại chuyện đó, hỏi tôi: "Nên làm sao, anh?". Tôi đáp: "Quên đi là thượng sách, và bảo cháu như vầy: ba biết một em nhỏ cả lớp chế nhạo là con bé "thò lò mũi xanh". Em đó vẫn vui vẻ như thường, ráng học cho nhất lớp rồi chỉ bảo lại bài cho các bạn, sau được cả lớp mến. Con nên bắt chước bạn ấy". 3 Tôi có nên kể vào hạng nhảm nhí những tờ báo bề ngoài có vẻ chăm lo cho thanh niên, khuyên nhủ học sinh mà kỳ thực là nịnh trẻ và bôi nhọ nhà giáo? Ai không biết là có nhiều ông thầy thiếu tư cách, họ đáng trách lắm nhưng cái giọng "ồ là là, fooc-mi-đáp" để mỉa mai họ, thì chẳng nhã chút nào cả mà tập cho trẻ thêm hỗn xược. Những người cầm bút ấy thường mới chỉ nghe được một tiếng chuông của trẻ mà đã vội mạt sát ông thầy. Tôi không hiểu họ có con em đi học không nhỉ? Khắp thế giới tôi chưa thấy nước nào mà những tờ báo thông tin lại mở những chuyên mục vạch lưng của ông thầy cho trẻ xem như ở nước "bốn nghìn năm văn hiến" này. Rồi người ta lại còn khuyến khích trẻ bỏ công việc học hành để làm thơ với viết tiểu thuyết nữa chứ! Để phụng sự tiếng mẹ đẻ mà! Thực là làm tiền đủ cách! Sau cùng chúng tôi muốn khuyên bạn ít điều này nữa: - Nghỉ hè, nên cho trẻ học trước mười bài đầu những môn chính chương trình niên khóa sau. - Nên tạo không khí yên tĩnh trong nhà để trẻ dễ học: tắt máy thâu thanh đi và đừng cho chúng mê man coi máy vô tuyến truyền hình. - Tập cho chúng có thứ tự, sách vở để có chỗ. - Khi nhận sổ điểm của trường, phải coi cho kỹ, chứ đừng nhắm mắt ký tên. Thỉnh thoảng, nếu không phải là mỗi ngày, coi kỹ bài chúng làm và bắt chúng trả bài. PHỤ LỤC 1: VÀI TRẮC NGHIỆM VỀ TOÁN Trong chương II, tôi đã nói qua đến những trắc nghiệm để đo tinh thần của trẻ. Thời này toán là một môn rất quan trọng, nên dưới đây tôi chép lại ít nhiều trắc nghiệm của ông Denjean để bạn xét trình độ về môn ấy của các em từ chín tuổi trở lên. a. Trắc nghiệm về phân số Bạn bảo các em làm mười bài toán dưới đây. Để các em đủ thì giờ suy nghĩ, đừng thúc giục. Nên cho các em làm vào lúc tinh thần sáng suốt. Trẻ còn nhỏ thì đừng bắt suy nghĩ quá nửa giờ. Nếu nửa giờ mà chưa xong thì để lúc khác cho làm tiếp. Cho các em hay rằng bạn ra toán để thử sức học của em, nên các em rán để hết tâm trí vô. 1. Các em hãy viết: 14 phần 100 thành một phân số: ... thành một số lẻ... 4 phần 1.000 thành một phân số: ... thành một số lẻ... Cho điểm: mỗi lần viết đúng cho nửa điểm, đúng hết thì được 2 điểm. 2. Dưới đây là một đường AB dài 15 phân. A..................B Các em đánh dấu x lên trên đường đó sao cho từ đầu A tới dấu ấy được 7 phần 10 đường AB. Cho điểm : 1 điểm. 3. Dưới đây là một đường CD dài 10 phân. C.........................D Cũng đánh một dấu X như trên vào chỗ 3 phần 10 con đường, rồi thêm vào 3 phần 10 đó, 60 phần 100 của cả con đường CD, rồi đánh dấu Y nữa ở cuối đoạn thứ nhì. Cho điểm: mỗi lần đánh dấu trúng, cho nửa điểm. 4. 5 phần 10 đồng bạc là mấy cắc? 3 phần 100 của 1 kilômét là mấy đềcamét? Cho điểm: câu trên 1 điểm, câu dưới 1 điểm. 5. Một phần tư đồng bạc cộng với 3 phần 20 đồng bạc là bao nhiêu? - 75 phần 100 một kilogram là bao nhiêu đềcaram? Cho điểm: mỗi câu 1 điểm. 6. Một đường thứ nhất dài 8 phân, một đường thứ nhì dài 4 phân. Lấy 3 phần 4 đường thứ nhì trừ vào 3 phần 4 đường thứ nhất còn lại một đường dài bao nhiêu? Cho điểm: 1 điểm. 7. 4 phần 5 một con đường dài 8 phân. Cả con đường ấy dài bao nhiêu? Cho điểm: 1 điểm. 8. Một bình chứa được 1 lít. Người ta đổ 1 phần 5 lít sữa vào bình đó. Muốn cho đầy, phải đổ vô thêm bao nhiêu đềxi lít. Và bao nhiêu xăngti lít? Cho điểm: mỗi câu nửa điểm. 9. Đổi những phân số sau này ra số lẻ: Cho điểm: mỗi số trúng, được 1 điểm. 10. Làm những toán sau đây, rồi bình dị cho tôi, khi không bình dị được nữa mới thôi, sau cùng lấy số chẵn ra: Cho điểm: mỗi toán 1 điểm. Nếu trẻ không biết lấy số chẵn ra thì chỉ cho nửa điểm thôi. Toán thứ nhì nếu trẻ trả lời là 35/100 thì cũng kể là đúng. Em nào làm trúng hết được những toán đó, được số điểm nhiều nhất là 25. Tuổi về toán của em đó là 14, nghĩa là dù em đó mới 12 tuổi 3 tháng, nhưng về toán cũng bằng một em đúng 14 tuổi mà vào hạng trung bình. Nếu được 24 điểm thì tuổi về toán được 13 tuổi 10 tháng, được 23 điểm thì tuổi về toán là 13 tuổi 8 tháng... cứ mỗi điểm rút đi 2 tháng. Nếu chỉ được 8 điểm thôi thì dù tuổi thật là 12-13, tinh thần cũng chỉ bằng một em 10 tuổi trung bình về toán. Tất nhiên là trắc nghiệm ấy chỉ để thử các em đi học trường đều đều, và đã học về phân số. Còn người lớn mà chưa học thì cũng khó làm được bài toán số 10. b. Trắc nghiệm về số học Bạn bảo các em làm 15 bài toán sau này, cứ mỗi bài trúng thì được 1 điểm. Nhiều nhất là 15 điểm. 1. Em có 14 trái mận. Ăn hết 6 còn lại bao nhiêu? 2. Một người đi chợ mua 4 con vịt giá 25đ một con và một con gà giá 38đ. Hỏi người đó đã tiêu hết bao nhiêu tiền? 3. Mái nhà trên có 30 viên ngói bể, mái nhà bếp có 20 viên bể. Hỏi phải thay hết thảy bao nhiêu viên? 4. Người ta đưa cho một em nhỏ 2$ để mua cò 0.50$. Hỏi em nhỏ mang về được mấy con. 5. Một cái khạp chứa được 30 lít dầu dừa. Đổ dầu đó vào trong những thùng 5 lít thì được mấy thùng? 6. Hát bóng 5 giờ chiều thì tan. Hát mất 3 giờ. Hỏi bắt đầu hát từ hồi mấy giờ? 7. Một chuyến xe lửa có 3 toa xe. Mỗi toa có 7 phòng. Trong mỗi phòng có 10 hành khách. Hỏi chuyến đó chở được bao nhiêu hành khách? 8. Một người bán đậu phộng, hôm thứ 7 mua 3 kílô. Ngày chủ nhật người đó bán được gấp 3 số ấy, nghĩa là bán được bao nhiêu kílô? 9. Một tấm nệm dài 70 phân, rộng 50 phân. Phải mua mấy thước băng để viền tấm nệm đó? 10. Mua một khu vườn giá 8.000$. Bán 10.000$. Lời bao nhiêu? 11. Đường Gia Long từ cầu Máy tới cầu Đúc dài 800 thước. Đường Lê Lợi từ cầu Đúc tới chợ dài 1.400 thước. Hỏi từ cầu Máy tới chợ dài bao nhiêu? 12. Tôi mua 3 đôi vớ, mỗi đôi giá 24$. Tôi để lại cho bạn tôi 2 đôi. Bạn tôi phải trả lại tôi bao nhiêu tiền? 13. Một người trồng khoai, phí tổn hết thảy là 630$. Phải bán khoai bao nhiêu để lời 170$. 14. Một người may một bộ đồ tây. Trong toa biên: áo 235$, quần 125$, sơ mi 50$. Hỏi người đó phải trả bao nhiêu tiền? 15. Ngày 10 tháng 10, một người thợ làm buổi sáng 3 giờ 20 phút, và buổi chiều 2 giờ 40 phút. Người đó hôm ấy lãnh được bao nhiêu, nếu công mỗi giờ là 12$? Được 15 điểm thì tuổi về toán số học là 14 tuổi. 14 là 13 6 tháng. 13 là 13 12 là 12 6 tháng. 11 là 12 10 là 11 6 tháng. 9 là 10 6 tháng. 8 là 9 6 tháng. 7 là 9 tuổi 4 tháng. 6 là 9 tuổi 1 tháng. 5 là 8 tuổi 10 tháng. 4 là 8 tuổi 8 tháng. 3 là 8 tuổi 6 tháng. 2 là 8 tuổi 4 tháng. 1 là 8 tuổi 2 tháng. c. Trắc nghiệm về toán mét hệ. Mỗi bài toán cũng cho 1 điểm. Trúng cả 12 bài thì được 12 điểm. 1. Một đồn điền rộng 70 kilômét vuông. Hỏi đồn điền ấy được bao nhiêu mẫu tây? 2. Một đống củi được 18 mét khối 750 tấc khối. Hỏi đống củi đó được bao nhiêu si-te (stère)? 3. Mua 2 cây viết chì, mỗi cây 1,5$. Đưa tấm giấy 10$. Người bán phải thối lại bao nhiêu? 4. Đường Gia Long dài 2.700 mét. Nếu đi từ đầu đường tới cuối đường thì được mấy kilômét? 5. Một khu vườn rộng 300 mét, dài 400 mét. Bề mặt vườn đó là bao nhiêu are? 6. Tôi mua 100 lít gạo tẻ, 2 đềcalít gạo nếp và nửa đềcalít bắp. Hỏi tính chung hết thảy tôi có bao nhiêu lít? 7. Tôi ngồi xe bắt đầu đi từ một trụ kilômét. Xe chạy, tôi đếm được 2 trụ kilômét nữa rồi lại đếm được 4 trụ hectômét nữa rồi xe ngừng. Hỏi xe chạy hết thảy được bao nhiêu mét? 8. Một thùng chứa được 0,236 thước khối. Thùng đó chứa được bao nhiêu lít? 9. Trong cặp sách của em có 3 cuốn sách nặng mỗi cuốn 310 cà-ram, 6 cuốn tập, mỗi cuốn nặng 50 cà-ram, một cây viết chì nặng 5 cà-ram. Cặp nặng 750 cà-ram. Hỏi em mang nặng hết thảy là bao nhiêu kilô? 10. Mỗi miếng băng dài 40 phân. Bốn miếng dài bao nhiêu thước, bao nhiêu phân? 11. Một ve mực chứa được 0,75 lít. Đổ mực đó vô bình nhỏ, mỗi bình là một phân lít rưỡi. Hỏi được bao nhiêu bình? 12. Trong 5 ton (tonne) có bao nhiêu kílô? Được 12 điểm thì tuổi về toán mét hệ là 14 tuổi. 11 là 13 tuổi 6 tháng 10 là 13 tuổi 9 là 12 tuổi 6 tháng 8 là 12 tuổi 7 là 11 tuổi 6 tháng 6 là 10 tuổi 10 tháng 5 là 10 tuổi 6 tháng 4 là 10 tuổi 3 là 9 tuổi 6 tháng 2 là 9 tuổi 1 là 8 tuổi 6 tháng Nếu một em thử toán phân số được 12 tuổi 8 tháng, thử toán số học được 13 tuổi 6 tháng và thử toán mét hệ được 12 tuổi thì ta cộng 3 tuổi đó lại, rồi lấy trung bình: Như em ấy tuổi thật là 11 thì về toán em thông minh hơn tuổi nhiều; còn nếu tuổi thật là 14 thì em chậm về toán. Những trắc nghiệm trên lập ra cho trẻ Pháp, áp dụng vào trẻ em Việt chắc có sai ít nhiều. Nếu có nhiều nhà giáo thí nghiệm vào trẻ em Việt Nam thì ta có thể sửa những con số tính tuổi lại cho đúng hơn được. PHỤ LỤC 2: TÂN GIÁO DỤC 1. Tại sao bạn nên biết về tân giáo dục? 2. Những qui tắc chỉnh về tản giáo dục? 3. Những nhà đề xướng tân giáo dục? 1 Từ vài năm nay, vấn đề tân giáo dục được nêu trên báo chí, sách vở nước nhà và cả trên những tờ quảng cáo của một số trường tư. Vậy biết qua về tân giáo dục không phải là vô ích. Ta sẽ rõ nền giáo dục ở Âu Mỹ đương chuyển hướng ra sao, và phân biệt được trường nào chỉ có danh mà không có thực. 2 Trong cuốn 'Thế hệ ngày mai", tôi đã vạch những qui tắc chính của tân giáo dục mà tôi xin nhắc qua lại ở đây để bạn nào không có thì giờ đọc cuốn ấy cũng có được một khái niệm về vấn đề. • Tân giáo dục tuân theo những luật phát triển của trẻ về sinh lý, tâm lý. (Trong chương 11 tôi đã xét qua về điểm ấy). • Tân giáo dục tập cho trẻ hoạt động về thể chất cũng như về tinh thần trong khi học tập chứ không bắt chúng thụ động như nền giáo dục cũ (vì thế tân giáo dục còn có tên là giáo dục linh động). Trẻ phải nhận xét, suy nghĩ, thực hành, chứ không chuyên nhớ cho nhiều. • Tân giáo dục theo nhu cầu của trẻ mà dạy chúng những điều chúng thích, tùy tuổi chúng để chúng vui vẻ, hăng hái học. • Tân giáo dục tập cho trẻ sống trong đoàn thể nhưng vẫn ráng giữ cá tính của mỗi em và tìm cách phát triển thiên tư của mỗi em. • Tân giáo dục tập cho trẻ thích ứng với hoàn cảnh, nên trường học không cách biệt với đời mà tiếp xúc với thiên nhiên, xã hội. • Tân giáo dục có khi để mỗi trẻ tự tổ chức lấy công việc của mình tùy tài năng của mình, miễn cuối năm học hết chương trình thì thôi. Lại có khi cho trẻ họp thành từng nhóm, cùng tìm tòi với nhau, trò giỏi nâng đỡ hướng dẫn trò dở. • Tân giáo dục tập cho trẻ tự trị, tự giữ kỷ luật trong trường và được dự những cuộc hội họp của nhà trường mỗi khi có cái gì liên quan tới đời sống trong trường. Tuy nhiên, tân giáo dục không để cho trẻ hoàn toàn tự do, nghịch ngợm, phá phách trong lớp, theo phương pháp của Tolstoi như nhiều người hiểu lầm. Người ta trọng sự tự do của trẻ nhưng không cho sự tự do đó làm hại sự học của chúng. Gần đây, một vài tờ báo Mỹ phàn nàn các trường học trong nước thiếu kỷ luật, học sinh nhỏ vô lễ, cứng đầu không muốn học. Tờ News Daily viết: phương pháp giáo dục như ở New York hiện nay chẳng khác một lò luyện những đứa trẻ trở thành những tên cướp đường, những tên phạm nhân sau này. Trong những năm còn học tại trường, chúng được che chở để tự do thành những tội nhân gan dạ và đầy đủ kinh nghiệm. [26] Như vậy là sai với qui tắc của tân giáo dục vì muốn áp dụng tân giáo dục, ta phải hiểu rõ tinh thần của nó, không thể nhắm mắt theo các trường học của Âu Mỹ được và ngay ở những xứ đó cũng có rất nhiều trường dạy bậy và có rất nhiều nhà giáo thiếu tư cách. 3 Ý niệm đầu tiên về tân giáo dục có từ thế kỷ 18, trong cuốn "Emile" của J.J. Rousseau. Rồi tới Pestalozzi, người Thụy Sĩ viết cuốn "Comment Gertrude instruit ses enfants" để cải cách nền giáo dục cũ; nhưng mãi đến cuối thế kỷ trước, tân giáo dục mới bắt đầu phát triển nhờ nhiều nhà giáo tận tâm và đa tài. Ta nên nhận điều này là những nhà giáo mở đường đó phần đông không xuất thân ở một trường sư phạm, không bị uốn nắn theo những qui tắc cổ, nên họ có được nhiều tư tưởng mới. Cách dạy của họ có nhiều chỗ tiểu dị, nhưng người nào cũng yêu trẻ, hết sức nghiên cứu tâm lý trẻ, và kết quả đều tốt đẹp. Tôi không thể kể hết cách dạy của từng nhà được, phải hàng ngàn trang mới đủ; chỉ xin tóm tắt phương pháp của vài nhà có tên tuổi nhất: • Ông John Dewey, theo chủ nghĩa thực dụng đề xướng thuyết Học bằng đời sống và trong đời sống. Năm 1896, ông thí nghiệm một lớp học mới, cho trẻ tự lựa lấy mục đích hoạt động của chúng, tự tìm lấy phương tiện, tự giải quyết mọi khó khăn để đạt mục đích ấy. Ông chỉ giữ chức vụ chỉ dẫn trẻ khi trẻ hỏi ông điều gì và tập cho trẻ rút kinh nghiệm thành bài học. Chẳng hạn, trong tỉnh mới mở một tiệm bán sách, ông đề nghị với trẻ cũng mở một tiệm bán sách trong sân trường. Nếu chúng hăng hái tán thành thì ông giúp chúng thực hành. Lựa chỗ nào? Mua những gì về bán? Hàng hóa cất ở đâu? Giữ gìn hàng hóa cách nào? Giá cả định ra sao? Công việc nào giao cho ai? Giữ sổ sách ra sao?... Trong ba bốn tháng, trẻ luôn luôn nhận xét, điều tra, suy nghĩ, tìm tòi, rồi em thì học cách đóng bàn, em thì học cách quảng cáo, em học toán, em học giữ kho... Có biết bao cơ hội để học rồi thực hành liền để tập sống chung, đoàn kết, tương trợ. Thí nghiệm của ông có ảnh hưởng rất lớn ở Mỹ, nhưng ta phải nhận rằng phương pháp ấy dùng để bổ túc nền giáo dục thì rất nên, chứ chuyên dùng để dạy trẻ thì không đủ. Có nhiều điều cần biết về Sử ký, Địa lý, Toán học... mà trẻ không thể học bằng cách quá thực tiễn ấy được. • Cũng ở Mỹ, cô Helen Parkhurst và ông Washburne tuy vẫn theo chương trình của chín...